Ra mắt văn phòng di sản văn hóa Việt Nam khu vực phía Nam

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức lễ ra mắt văn phòng đại diện khu vực phía Nam - nơi gắn liền với lịch sử Biệt động Sài Gòn.

Ngày 12-1, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (DSVH) đã tổ chức lễ ra mắt văn phòng đại diện khu vực phía Nam tại số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM. Đây là một trong những điểm di tích lịch sử của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định dưới hình thức là một ga-ra.

Bà Bùi Thị Hằng, Phó Chánh Văn phòng kiêm Giám đốc Văn phòng khu vực phía Nam cho biết: “Chọn một địa điểm vàng như thế, gắn bó với di tích lịch sử văn hóa của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là niềm tin, tình yêu, niềm hãnh diện không chỉ của chính Hội Di sản Văn hóa Biệt động Sài Gòn, ngành di sản văn hóa của TP.HCM, mà còn là niềm tự hào, niềm vui của toàn thể nhân dân cả nước.”

 Ông Trần Vũ Bình giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng Đại diện Hội DSVH Việt Nam khu vực phía Nam. Ảnh: Ngọc Hân

Ông Trần Vũ Bình giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng Đại diện Hội DSVH Việt Nam khu vực phía Nam. Ảnh: Ngọc Hân

Tại lễ ra mắt, bà Hằng đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trần Vũ Bình, Chi hội trưởng Chi hội Văn hóa Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng đại diện Hội DSVH Việt Nam khu vực phía Nam, nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Trần Vũ Bình, Phó Giám đốc Văn phòng đại diện Hội DSVH Việt Nam khu vực phía Nam nói: “Nhớ ơn là tiền đề để có thể tạo ra và phát huy di sản. Càng nhớ ơn ông cha thì càng giữ được và phát huy từng vật thể và phi vật thể mà ông cha ta để lại".

Ông Bình nhận định sự tồn tại của Hội DSVH Việt Nam là một điều đặc biệt. Đây là nơi tập trung những người có trình độ, kiến thức và tâm huyết với văn hóa lịch sử. Đa phần những người về với Hội Di sản là những cán bộ chuyên ngành về văn hóa, lịch sử.

 Bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã sử dụng. Ảnh: Ngọc Hân

Bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã sử dụng. Ảnh: Ngọc Hân

“Từng ngày, từng giờ, chúng tôi đang làm và nỗ lực từng phút từng giây bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Khi di sản mất đi thì ký ức về con người cũng mất đi, bởi vì chỉ con người mới biết và giải thích được di sản đó có ý nghĩa như thế nào” - ông Trần Vũ Bình chia sẻ.

NGỌC HÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ra-mat-van-phong-di-san-van-hoa-viet-nam-khu-vuc-phia-nam-post829771.html