Ra sân với 'luật chơi' mới

Ngày 1-8, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực. 'Luật chơi' mới được coi là thể hiện tư duy quản lý hiện đại, mở ra cơ hội tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Phát biểu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua luật tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Nhà nước đã “mở hết cỡ về thể chế”, không chỉ sửa đổi luật này, mà còn sửa đổi đồng bộ nhiều luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý thuế... Nhà nước sẽ chỉ tập trung quản lý phần vốn góp, còn lại trao quyền chủ động tối đa cho DNNN; tạo điều kiện để DNNN thực sự vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của đạo luật này là việc DNNN được toàn quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quỹ lương được giao. DNNN cũng có thể trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển và tối đa 3 tháng lương vào quỹ khen thưởng - phúc lợi; chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý nội bộ - vốn làm giảm động lực cạnh tranh của DNNN.

Một điểm đột phá khác là việc gỡ bỏ các rào cản về ngành nghề đầu tư, trong đó có bất động sản - lĩnh vực trước đây DNNN bị giới hạn hoặc không được tham gia. Cùng với đó, các DNNN nắm trên 50% vốn điều lệ còn được phép cho “công ty con” vay nội bộ theo quy định riêng, góp phần tăng tính linh hoạt trong quản trị dòng vốn…

Cả nước hiện có hơn 670 DNNN. Trong đó, khoảng 2/3 là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại là DN có vốn nhà nước chi phối. Tuy số lượng không nhiều (chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng số DN), nhưng DNNN đang nắm giữ một lượng tài sản lên tới gần 4 triệu tỷ đồng (số liệu do Bộ Tài chính cung cấp vào cuối năm 2024), đóng góp gần 30% GDP. Lợi thế quy mô, tài nguyên và hạ tầng chính là những tiền đề quan trọng để DNNN có thể trở thành lực lượng tiên phong, khởi xướng và dẫn dắt trong các lĩnh vực công nghiệp “xương sống” của quốc gia; đảm bảo an sinh xã hội và dịch vụ công trong các ngành y tế, giao thông, giáo dục; ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết thị trường trong các thời điểm bất ổn.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với khu vực kinh tế tư nhân phát triển sôi động, sáng tạo “song kiếm hợp bích” với khu vực DNNN vững vàng, tin cậy, hiệu quả thì nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, khẳng định vị thế xứng đáng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tất nhiên, để tạo ra những chuyển biến thực chất cho những cỗ máy lớn này thì một đạo luật “to đẹp”, thậm chí kể cả nhiều đạo luật có liên quan cũng là chưa đủ. Cỗ máy lớn cần người vận hành giỏi. Công cuộc cải cách cần đến từ 2 phía: cơ quan quy định luật chơi và người chơi. Đơn cử, đến cuối năm 2024, mới chỉ có khoảng 35% DNNN áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo thông lệ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Lãnh đạo DNNN cần nhanh hơn nữa, quyết đoán hơn nữa để nắm bắt những cơ hội kinh doanh, phát triển.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ra-san-voi-luat-choi-moi-post805739.html