Rà soát, chủ động chuẩn bị các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tiến độ thực hiện
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là công trình cấp đặc biệt với quy mô và tính chất phức tạp cao. Do vậy, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án này tại Phiên họp toàn thể thứ 14 vừa qua, các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần rà soát, chuẩn bị các giải pháp từ sớm, từ xa để ứng phó với các khó khăn, vướng mắc, tránh bị động, chậm trễ, qua đó bảo đảm tiến độ thực hiện.
Tạo sự kết nối giữa Tây Nguyên và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 vừa qua, cũng như được Thường trực Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ.
Báo cáo giải trình về một số nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đưa ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Quy hoạch, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường cao tốc, đang xây dựng 1.600km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 1.267km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030.
Là người gắn bó với tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiều năm, chứng kiến tuyến đường này từ quy mô nhỏ, trải dài, phương tiện thô sơ đến quy mô như hôm nay, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhận thấy, mỗi lần tuyến đường được nâng cấp, cải tạo thì đời sống người dân tại khu vực Tây Nguyên lại có bước phát triển mới. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2025, việc triển khai các dự án thành phần để nâng cấp, cải tạo tuyến đường Hồ Chí Minh đã mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Tây Nguyên. Điều này, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân Tây Nguyên ngày càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực ngày càng được rút ngắn.
“Mong muốn các đại biểu Quốc hội, cơ quan dành tình cảm, chia sẻ với Tây Nguyên để ủng hộ dự án này triển khai sớm nhất tạo điều kiện kết nối giữa khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Có bảo đảm thời gian thực hiện dự án?
Theo kế hoạch dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ khởi công từ cuối năm 2024, đầu năm 2025, triển khai thi công đến cuối năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành; công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Kế hoạch giải ngân năm 2024 khoảng 14%, năm 2025 khoảng 38% và năm 2026 khoảng 48% tổng số vốn được cân đối.
Từ thực tiễn triển khai các dự án thời gian qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh, băn khoăn nếu Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Kỳ họp thứ Bảy tới, trong hai năm rưỡi liệu có thể hoàn thành được dự án hay không?
Trước băn khoăn về tính khả thi của tiến độ này, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn giải thích, theo thiết kế sơ bộ, trên phạm vi dự án không có công trình đặc biệt, phần lớn là công trình cầu giản đơn, nền đường đào, đắp thông thường, không phải xử lý đất yếu… kết hợp với những cơ chế đặc thù trình Quốc hội cho phép áp dụng, có thể khẳng định tiến độ triển khai, kế hoạch giải ngân dự án nêu trên là tương đối khả thi.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các dự án cao tốc trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng cũng nêu rõ, công tác chuẩn bị dự án là rất quan trọng, phải bảo đảm tính khả thi về các điều kiện thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu cát, đá, đất đắp…
Đồng thời, rút kinh nghiệm từ những khó khăn, vướng mắc triển khai đường cao tốc thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay trong bước nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, xác định cụ thể nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, đánh giá kỹ về trữ lượng, điều kiện khai thác, công tác giải phóng mặt bằng để khai thác mỏ, đặc biệt là rà soát kỹ về những vướng mắc liên quan đến thủ tục khai thác mỏ để chủ động tháo gỡ, đáp ứng yêu cầu khi triển khai thi công dự án không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, kiểm soát chặt chẽ giá thành để không bị đội giá.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, sẽ triển khai song song với công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để ngay sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi có thể triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đáp ứng tiến độ thi công công trình dự án.
Dù vậy, tại Phiên họp, một số ý kiến đề nghị, làm rõ sự phù hợp, cơ sở pháp lý của việc dự án đề xuất đầu tư thêm 2km đoạn kết nối từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa so với quy hoạch được duyệt.
Về hình thức đầu tư, một số ý kiến quan ngại về tính khả thi của việc đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư, khi thực tế thời gian qua cho thấy việc huy động nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án giao thông BOT gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là công trình cấp đặc biệt với quy mô và tính chất phức tạp cao, đòi hỏi năng lực quản lý án chuyên nghiệp và công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho dự án này, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời, cần rà soát, chuẩn bị các giải pháp từ sớm, từ xa để ứng phó với các khó khăn, vướng mắc, tránh bị động, chậm trễ khi xảy ra.