Rà soát, chuẩn bị kỹ phương án cho chuyến công tác tại Hoa Kỳ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ứng phó với chính sách của các nước, nhất là Mỹ, tinh thần chung là bản lĩnh, bình tĩnh, phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch cụ thể để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ.

Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. Ảnh: HỒNG NHUNG

Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. Ảnh: HỒNG NHUNG

Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, vừa diễn ra chiều nay (06/4), tại Hà Nội.

Tăng trưởng quý I cao nhất trong 5 năm

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, quý I/2025, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng rất cao, gây căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ; giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Hoa Kỳ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Trong bối cảnh trên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I/2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, với các kết quả nổi bật:

Các địa phương đầu tàu tăng trưởng tốt: TP. Hồ Chí Minh tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam).

Tăng trưởng quý I đạt 6,93% - mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tăng trưởng ban đầu. Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp tăng 3,74%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,42%; dịch vụ tăng 7,7%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm: CPI bình quân quý I tăng 3,22%. Xuất, nhập khẩu tháng 3 tăng 18,2% so với tháng 2 và 16,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, xuất siêu 3,16 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 8,3%; thu hút FDI tăng 34,7%; vốn FDI thực hiện tăng 7,2% - cao nhất so với quý I trong 5 năm qua.

Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc. Tháng 3 có 15.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54,2% so với tháng 2 và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tính chung quý I có 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 18,6%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận còn một số khó khăn, thách thức: Bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% trở lên còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công ở hầu hết bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt; cầu tiêu dùng tăng chậm...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, trên cơ sở phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mục tiêu tổng quát là: Ổn định cả bên trong, bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, đồng đều, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân. Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Thủ tướng nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, ứng phó với chính sách của các nước, nhất là Mỹ; tinh thần chung là bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam để có giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch cụ thể để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ. Giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Tổ công tác triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực; kết nối chặt chẽ với Đoàn công tác đàm phán của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: Xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025; tăng cường quản lý thu, nhất là từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên cho đầu tư phát triển.

Thứ sáu, tiếp tục xử lý có kết quả các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ tám, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ chín, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; chuẩn bị tốt việc đón các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.

Thứ mười, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, không để những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực và cả nước.

Cũng tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: Tăng trưởng kinh tế tháng 3 và quý đầu năm, tình hình triển khai sàn giao dịch điện tử; ảnh hưởng việc áp thuế đối ứng của Mỹ đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và giải pháp ứng phó; vấn đề dạy thêm, học thêm; cơ chế quản lý người có tầm ảnh hưởng trong xã hội khi quảng cáo; mô hình quản lý cấp xã, chế độ chính sách với những người bị ảnh hưởng./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ra-soat-chuan-bi-ky-phuong-an-cho-chuyen-cong-tac-tai-hoa-ky-39309.html