Rà soát, chuyển vốn cho dự án đầu tư công giải ngân nhanh
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra, tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, hiện nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh còn thấp so với kế hoạch đề ra do khó khăn trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Việc thẩm định, phê duyệt các dự án khởi công mới còn chậm. Nhiều dự án chuyển tiếp, đã đầy đủ thủ tục, đang triển khai nhưng thi công, nghiệm thu, thanh toán chưa được đẩy nhanh tiến độ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các chủ đầu tư chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2023; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Đối với các dự án hoàn thành năm 2023 và các dự án chuyển tiếp, các chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn thành nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho nhà thầu; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm 2023.
Đối với các dự án khởi công mới, các dự án ODA, các chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đúng quy định nhằm đảm bảo thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tiến độ thực hiện dự án; nhanh chóng hoàn thành các thủ tục điều chỉnh, bổ sung dự án; rà soát lại nhu cầu kế hoạch vốn nước ngoài năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng thời gian quy định và theo cam kết với nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn. Các chủ đầu tư phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu chủ đầu tư phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Cùng đó, rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Cơ quan được giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có đất thu hồi, bằng nhiều hình thức đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi.
Tính đến 15/9, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là trên 5.810,3 tỷ đồng; hiện đã giải ngân được 54,55% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là trên 5.662,9 tỷ đồng, đã giải ngân được 55,02% kế hoạch (thấp hơn 3,77% so với cùng kỳ); vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 là 70 tỷ đồng, đã giải ngân 42,38% kế hoạch; vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 77,4 tỷ đồng, đã giải ngân 31,1% kế hoạch.
Trong tổng số 28 đơn vị cấp tỉnh được giao kế hoạch, có 11 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%, 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60% và 7 đơn vị chưa giải ngân. Đối với 8 đơn vị cấp huyện được giao kế hoạch, có 6 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%, 2 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.