Rà soát lại chuỗi cung ứng để giữ thị phần xuất khẩu cà phê vào EU

Xuất khẩu (XK) cà phê vẫn đang trên đà giảm và đứng trước thách thức lớn là liệu có giữ được thị phần lớn tại thị trường chính yếu như EU (đang chiếm hơn 37% tổng giá trị XK cà phê của Việt Nam). Nhất là trước viễn cảnh thực hiện quy định của EU về chống phá rừng (EUDR) đang đòi hỏi ngành hàng cà phê Việt sẽ phải rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, XK cà phê trong tháng 10/2023 của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua, chỉ đạt 43.725 tấn, giảm 14,21% so với tháng trước và giảm tới 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch XK đạt 157,55 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 9/2023 và giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Lo đà giảm giữa thách thức lớn

Riêng hồi quý 3/2023, XK cà phê chỉ đạt 246.051 tấn với trị giá 738,9 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, do nguồn cung không còn nhiều.

Trước tiềm tàng rủi ro từ nguồn cung, cácsản phẩm cà phê của Việt Nam vào thị trường EU sẽ đối mặt thách thức lớn khi thực hiện quy định của EU về chống phá rừng (EUDR).

Tính ra, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), XK cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, trong niên vụ 2022 - 2023, giá XK trung bình cà phê của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 8,2% so với niên vụ trước. Nhờ đó, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.

Về thị trường tiêu thụ, EU vẫn là thị trường XK cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng đạt 615.364 tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 0,3% về trị giá so với niên vụ trước. Trong khối EU, XK cà phê sang Đức đạt 203.317 tấn (giảm 5,9%), Italy đạt 146.684 tấn (tăng 6%), Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt 13,1% và 42,7%.

Thị trường EU đang chiếm tỷ trọng bình quân 39,3% (về sản lượng) và 37,6% (về trị giá) trong tổng XK cà phê của Việt Nam. Với khối lượng XK như vậy, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil.

Tuy vậy, những dự báo gần đây cho rằng để “kìm” đà giảm XK và giữ thị phần XK cà phê của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian tới sẽ gặp những thách thức lớn. Nhất là khi từ ngày 1/1/2024, khi DN xuất khẩu cà phê sang thị trường EU thì không chỉ dừng lại ở các quy định về môi trường mà còn có thêm quy định về lao động.

Theo đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ đánh giá quá trình kinh doanh mặt hàng của DN cung ứng về các vấn đề liên quan đến lao động (về quyền công đoàn, quyền của phụ nữ và trẻ em, chống phân biệt đối xử, an toàn lao động, hợp đồng lao động). Đồng thời, có những quy định liên quan đến cấm hàng hóa sử dụng lao động cưỡng bức.

Hay như viễn cảnh thực hiện quy định của EU về chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ năm 2023 và đến ngày 31/12/2024 sẽ thực hiện. Khi đó EU sẽ không nhập khẩu 7 sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cây cà phê. Đây là một những khó khăn mà ngành cà phê Việt Nam đang vấp phải.

Về vấn đề EUDR liên quan đến cây cà phê, trong báo cáo mới nhất vào tháng 10/2023 về việc “Chuẩn bị để thích ứng với quy định chống mất rừng của EU - vai trò của hiệp hội và doanh nghiệp XK Việt Nam” của nhóm chuyên gia Tô Xuân Phúc và Lương Kim Anh thuộc Tổ chức Forest Trends có lưu ý, EUDR có mục tiêu chặn các luồng cung vào EU các mặt hàng làm mất rừng và suy thoái rừng, với thời điểm mất rừng được tính từ 31/12/2020 trở đi.

Trong khi đó, diện tích trồng cà phê của Việt Nam nhìn chung đã tương đối ổn định trước thời điểm 31/12/2020, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia này, chuỗi cung ứng của ngành cà phê dài và phức tạp, với nhiều khâu trung gian (tư thương) tham gia thu mua và đông đảo các nông hộ tham gia khâu sản xuất. Hiện con số các hộ tham gia khâu sản xuất của chuỗi chưa nhất quán.

Tiềm tàng rủi ro của nguồn cung

Chẳng hạn như Bộ NN&PTNT đưa ra con số 700.000 hộ tham gia, với khoảng 1,8 triệu thửa đất trồng cà phê, trong khi Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA) đưa ra con số 1,4 triệu hộ trồng cà phê với diện tích canh tác của mỗi hộ từ 0,2 đến 5 ha và bình quân mỗi hộ có 2- 3 thửa đất trồng.

Có thể thấy số lượng nông hộ tham gia đông đảo, đất đai sản xuất manh mún khiến việc theo dõi nguồn gốc chính xác của cà phê đến tận vị trí địa lý của từng thửa đất sản xuất rất khó khăn và đòi hỏi chi phí cao.

Ngoài ra, hiện vẫn còn tồn tại một tỷ lệ khoảng 30% nông hộ trồng cà phê chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mình đang sử dụng. Một số diện tích trồng hiện nằm trên đất lâm nghiệp hoặc trùng lặp với đất do các công ty lâm nghiệp quản lý.

Bên cạnh nguồn cung trong nước, như thông tin của nhóm chuyên gia thuộc Forest Trends, mỗi năm vẫn nhập khẩu khoảng 20-30 ngàn tấn cà phê nguyên liệu trị giá hơn 50 triệu USD từ Lào. Hiện thông tin về luồng cung này, bao gồm cả những thông tin về vị trí địa lý của các mảnh đất sản xuất mặt hàng nhập khẩu này vẫn chưa rõ. Mặc dù lượng nhập khẩu nhỏ, thế nhưng việc thiếu thông tin về chuỗi cung nhập khẩu này, bao gồm cả các khía cạnh về tính pháp lý là một trong số các yếu tố tiềm tàng ảnh hưởng đến rủi ro của luồng cung trong nước và XK.

Cần lưu ý thêm, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, đối với ngành cà phê, các nhà XK phải đảm bảo họ không lấy nguồn cà phê từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái rừng. Chỉ khi đó, họ mới có thể XK cà phê sang EU.

Trong khi đó, thông tin gần đây từ chuyên gia của Công ty Enveritas (tổ chức phi chính phủ phát triển bền vững của Mỹ) rất đáng lưu tâm. Đó là trong số 90.000ha rừng Việt Nam bị mất hồi năm 2021 có 8.000ha nằm trong vùng trồng cà phê. Số diện tích này sẽ được theo dõi, nếu được dùng để trồng cà phê thì sẽ được coi là cà phê trồng trên đất phá rừng.

Trước những thách như vậy, để giải quyết vấn đề này, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng cho các DN xuất khẩu cà phê vào thị trường EU là cần quản lý chặt chẽ rủi ro trong chuỗi cung ứng của mình.

Theo đó, để thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm cà phê vào lưu thông tại thị trường EU thì các DN cần nộp bản “Cam kết thẩm định chuỗi cung” và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong cam kết này. Để cung cấp thông tin trong cam kết, DN cần thực hiện 3 bước: thu thập thông tin – đánh giá rủi ro – giảm thiểu rủi ro, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ báo cáo khi cần.

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, các DN xuất khẩu cà phê cần áp dụng kỹ thuật số để thực thi Quy định chống phá rừng của EU trong ngành cà phê. Theo đó, việc thu thập dữ liệu là cần thiết ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng nếu các nhà sản xuất và XK cà phê của Việt Nam muốn duy trì hoạt động tại thị trường EU.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay mà ngành cà phê Việt đang phải đối mặt là chưa có một cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn. Trong khi đó, EUDR yêu cầu 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê vào châu Âu, phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ra-soat-lai-chuoi-cung-ung-de-giu-thi-phan-xuat-khau-ca-phe-vao-eu-1096549.html