Rà soát quy hoạch giao thông - vận tải Hà Nội: Đi trước mở đường, tạo không gian mới
Kết quả rà soát đồ án quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội và định hướng phát triển phục vụ cho các đồ án quy hoạch lớn mà thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị và chuyên gia.
Điều này cũng dễ hiểu bởi quy hoạch ngành có tầm quan trọng đi trước mở đường, tạo không gian mới, phát huy tối đa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Cơ hội để chỉnh sửa những tồn tại
Với mục tiêu nhận diện rõ những bất cập sau thời gian thực hiện, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội thuê tư vấn độc lập đánh giá lại Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện đơn vị tư vấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho biết, đơn vị đã phối hợp, rà soát, đánh giá những nội dung đạt được của quy hoạch, đồng thời sẽ đề xuất định hướng phát triển đối với từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy nội địa, phục vụ cho việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch 1259) với tầm nhìn đến năm 2065, khác rất nhiều so với quy hoạch đang thực hiện dừng lại ở tầm nhìn 2050.
“Nội dung quy hoạch giao thông - vận tải kỳ này đặt ra yêu cầu gắn kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội. Đơn vị tư vấn đã có cuộc họp với các địa phương xung quanh Hà Nội để tiếp thu, hình thành ý tưởng phát triển về giao thông kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành”, ông Phạm Hữu Sơn nói.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, qua rà soát quy hoạch cho thấy hàng loạt vấn đề. Trong đó, một số chỉ tiêu, hạng mục của quy hoạch cần nghiên cứu, xem xét lại về tính thực tiễn và sự phù hợp với hoàn cảnh mới, ví dụ như định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô. Mạng lưới đường bộ cần phải điều chỉnh phục vụ cho phát triển thành phố phía Tây và phía Bắc Thủ đô. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ 5 đô thị vệ tinh chưa thành hình vì thiếu kết nối, trong quy hoạch lần này, hệ thống đường sắt đô thị và hệ thống giao thông kết nối cũng phải đi theo.
Đây là cơ hội để chỉnh sửa những tồn tại trong quá trình thực hiện các quy hoạch trước đây và đưa ra định hướng phát triển mới.
Mỗi nét vẽ là một dự án lớn
Về định hướng quy hoạch giao thông - vận tải thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một nội dung tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô đang được các đơn vị tư vấn lập, Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) đề xuất ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị.
Để giải quyết ùn tắc tại các trục xuyên tâm, khu vực cửa ngõ thành phố, tư vấn đề xuất bổ sung hệ thống cầu vượt sông Hồng bảo đảm quy mô 1-3km/cầu khu vực trung tâm và 3-5km/cầu khu vực ngoại thành...
Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển đường sắt đô thị, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, theo quy hoạch, thành phố sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ban đã có ý kiến với các cơ quan chuyên môn cũng như báo cáo UBND thành phố về việc cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn phát triển mới của Thủ đô.
Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia về quy hoạch giao thông nêu cụ thể: “Mỗi vạch phát triển đường sắt đô thị trên bản đồ tương ứng với kinh phí đầu tư 1 tỷ USD. Do đó, đơn vị tư vấn phải phân tích rõ các khu vực cần ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện, đạt hiệu quả tối ưu”.
Về định hướng phát triển giao thông của Hà Nội, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng, cần đưa ra mục tiêu, định lượng của quy hoạch giao thông tới các mốc thời gian cụ thể trong tương lai, trong đó cần lưu ý tới tốc độ lưu thông bình quân trong đô thị.
“Định hướng phát triển không gian của thành phố hiện nay là lấy sông Hồng làm trục chính, phát triển cân đối thành phố hai bên sông. Vậy vấn đề đặt ra là phát triển các cầu nối hai bên bờ sông. Đây phải coi là điểm nhấn lớn của quy hoạch giao thông - vận tải của thành phố trong thời gian tới”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Tất Thắng nêu góp ý.
Với tư cách là người tham gia xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, ông Bùi Tất Thắng cho rằng sự phát triển của giao thông - vận tải Thủ đô phải cập nhật những yếu tố về công nghệ hiện đại. Ví dụ trong 5 năm nữa, thành phố Hà Nội sẽ sử dụng phổ biến ô tô điện, gắn liền với trạm sạc. Do đó, quy hoạch phải tính tới yếu tố này để theo kịp thực tiễn.