Rà soát toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng

Chiều 8-9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ trì cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên... Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm để thực hiện không đúng quy định tự công bố chất lượng sản phẩm như không gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm mình sản xuất. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cập nhật diễn biến, tình hình về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, có so sánh với cùng kỳ về số người bị ngộ độc, thực trạng quản lý các mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân; từ đó chỉ ra những vấn đề mới xuất hiện, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên hành động.

Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ để triển khai theo tinh thần thống nhất một đầu mối từ trung ương đến địa phương của Chỉ thị số 17-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

“Các địa phương phải dựa trên hiệu lực, hiệu quả của các mô hình quản lý an toàn thực phẩm để đánh giá những điểm làm được, chưa được. Những cấp nào cần quan tâm, đầu tư, những yêu cầu về chất lượng tổ chức, bộ máy, công cụ thanh tra, kiểm tra”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh mục tiêu là đo, đếm được hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm thông qua chuyển biến ở cơ sở.

Phó Thủ tướng cũng gợi mở xem xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với một số loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, đồ uống; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí khi quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ra-soat-toan-bo-he-thong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tu-san-xuat-den-tieu-dung-640378.html