Rà soát, trình Quốc hội các mục tiêu phát triển bền vững có khả năng đạt được
Ngày 21/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 85/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Quốc hội sẽ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu có khả năng đạt được trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và nâng cao hiệu quả thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và xác định cơ quan chủ trì, phối hợp cho từng mục tiêu, chỉ tiêu.
Các bộ, ngành chủ trì sẽ hoàn thiện các tiêu chí, phương pháp thống kê, số hóa và ứng dụng công nghệ để theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại và xác định đầy đủ trong Lộ trình thực hiện đối với tất cả mục tiêu, chỉ tiêu như Việt Nam đã cam kết.
Phó Thủ tướng lưu ý đối với các mục tiêu, chỉ tiêu Việt Nam có khả năng đạt được thì trình Quốc hội xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và tăng dần số lượng mục tiêu, chỉ tiêu loại này.
Mục tiêu, chỉ tiêu nào đã đạt được cần tiếp tục đẩy mạnh hơn, nâng cao hiệu quả thực hiện; chưa đạt thì cũng cần xác định rõ mục tiêu để phấn đấu thực hiện. Về lâu dài, phải tiến tới trình Quốc hội xác định toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hàng năm để báo cáo cấp có thẩm quyền; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng chỉ tiêu, mục tiêu trong Lộ trình.
Các bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phải tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, phương pháp thống kê, số hóa, ứng dụng công nghệ để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện đối với từng mục tiêu, chỉ tiêu; lưu ý tham khảo tiêu chí theo dõi, cách thức đánh giá theo Bộ công cụ của Liên minh Nghị viện thế giới, của nghị viện các nước về đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc rà soát, cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 được thực hiện theo hai bước.
Bước thứ nhất - Rà soát và đề xuất danh mục các chỉ tiêu, rà soát các chỉ tiêu tại Quyết định 681/QĐ-TTg, từ đó đề xuất các chỉ tiêu giữ nguyên, các chỉ tiêu cần điều chỉnh tên gọi cho phù hợp, các chỉ tiêu cần loại bỏ khỏi danh sách và đề xuất các chỉ tiêu mới cần đưa vào danh mục để xây dựng Lộ trình cập nhật đến 2030.
Bước thứ hai - Đề xuất Lộ trình cần đạt của các chỉ tiêu đến năm 2025 và 2030, dựa vào danh mục các chỉ tiêu được xác định ở bước 1, tiến hành đề xuất Lộ trình cần đạt được của các chỉ tiêu này đến năm 2025 và 2030. Việc đề xuất Lộ trình căn cứ vào: Tình hình thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2021; các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các chiến lược, kế hoạch, chương trình của các ngành, lĩnh vực cho thời kỳ 2021-2030; đề xuất của Bộ, ngành, cơ quan và tham vấn chuyên gia.
Nguồn: TTXVN/Tổng hợp