Rằm tháng 7, cúng chay hay cúng mặn?

Cúng chay hay cúng mặn vào Rằm tháng 7 đều thể hiện sự tôn kính, tình cảm của con cháu hướng đến người quá cố.

Rằm tháng 7, còn gọi là Lễ Vu Lan hay Trung Nguyên, đây là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á, rơi vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng ngày.

Lễ Vu Lan là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Ngoài việc cúng bái và làm các nghi lễ tôn giáo, trong ngày Rằm tháng 7, nhiều gia đình cũng tổ chức lễ cúng để cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho cả gia đình. Tuy nhiên, mâm cúng chay hay cúng mặn vào Rằm tháng 7 vẫn chưa có ý kiến thống nhất.

Nhiều luồng ý kiến

Chị Võ Bích Trâm, sống tại Biên Hòa cho biết 2 năm nay gia đình chị đã chuyển qua sử dụng mâm cúng chay để phù hợp với sức khỏe, hạn chế thịt, dầu mỡ và sát sinh. Ngoài ra, hiện các mâm cỗ chay cũng được biến tấu đa dạng và chế biến với nhiều kiểu cách khác nhau, hấp dẫn không kém các món mặn.

“Gia đình tôi thường cúng mâm cỗ chay vào các ngày Rằm, đặc biệt Rằm tháng 7 ngoài cúng chay thì tôi còn ăn chay cả tháng. Theo tôi cúng chay để tâm mình lắng lại để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, hướng về điều thiện và cầu phúc đức” – chị Trâm nói.

Cùng quan điểm với chị Trâm, bà Đỗ Thị Toàn (TP.HCM) cho biết tháng 7 là tháng Vu Lan báo hiếu, cũng là tháng cuối trong ba tháng an cư kết hạ của chư tăng trên khắp thế giới. Thay vì đi mua cá phóng sinh thì mỗi bữa ăn chay cũng là hình thức phóng sinh, thể hiện sự hiếu thảo đến ông bà, cha mẹ ngay từ những điều giản đơn nhất.

Tuy nhiên, anh Lê Hoàng Nam (TP.HCM) lại cho rằng người mất khi sống ăn gì thì lúc mất đi sẽ cúng những món đó.

“Ba tôi hồi còn sống rất thích ăn thịt kho tàu nên từ lúc ông mất, mâm cúng nào cũng có món đó. Tôi nghĩ sự hiếu thảo xuất hiện từ lòng thành kính, từ tâm của mình chứ không phải việc cúng chay hay cúng mặn. Chưa kể mỗi vùng miền, tôn giáo sẽ có mỗi văn hóa riêng” - anh Nam nêu quan điểm.

 Cúng chay hay cúng mặn đều thể hiện lòng hiếu kính của con cháu. Ảnh: THẢO HIỀN

Cúng chay hay cúng mặn đều thể hiện lòng hiếu kính của con cháu. Ảnh: THẢO HIỀN

Không vì chay- mặn mà xung đột

Đại đức – TS Thích Không Tú, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cho biết trong Phật giáo, ăn chay được xem là cần thiết cho việc thanh lọc thân và tâm.

Trong 5 điều răn, giới thứ nhất (không sát sanh), người Phật tử tại gia thực hiện nếp sống ăn chay, phóng sanh và cứu vật. Điều này không chỉ giúp đời sống tâm linh hướng thiện mà còn nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nếu không thể cúng chay, các Tăng Ni thường khuyên gia chủ nên mua những con vật đã chết hay thực phẩm làm sẵn đề dâng cúng, tránh trực tiếp giết hại chúng sanh.

“Tuy nhiên người ăn chay không được coi thường người không ăn chay. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, người ăn chay không nên ăn quá sơ sài. Đặc biệt không vì vấn đề chay-mặn mà xung đột, căng thẳng” – Đại đức Thích Không Tú nhấn mạnh.

Đồng thời mâm cúng thể hiện lòng thành, sự hiếu kính, tình cảm của con cháu hướng về cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đây là điều thiêng liêng, cao quý, điều quan trọng là mỗi người đóng góp, mang lại giá trị tốt đẹp cho nhân loại.

Rằm tháng 7 tại các nước ở Châu Á

Rằm tháng 7 ở Trung Quốc, người dân sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên, ba lần mỗi ngày, buổi lễ chính vào lúc hoàng hôn. Phật tử ở Trung Quốc tổ chức lễ Vu lan từ ngày 15 đến 30 tháng 7 Âm lịch. Tại đây, một số nghi thức không thể thiếu là hóa vàng mã, biểu diễn nghệ thuật cho những linh hồn và thả hoa đăng xuống sông hồ để cầu an, dẫn đường cho các linh hồn trở về cõi âm.

Tại Singapore, cộng đồng người Hoa tại đảo quốc sư tử coi rằm tháng 7 là lễ hội để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Nét đặc sắc của mùa Vu Lan ở Singapore là màn biểu diễn "getai" dành cho những linh hồn lang thang nơi trần thế.

Tại Nhật Bản, dịp Rằm tháng 7, người Nhật Bản tổ chức lễ hội Phật giáo Obon để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, nguồn cội. Lễ hội kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ 13 đến 15-7 Âm lịch). Ngày rằm tháng 7 còn có tên là Chugen, dịp người dân tặng quà cho cấp trên và người thân. Tục lệ này có nguồn gốc từ truyền thống dâng đồ cúng cho các linh hồn tổ tiên.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ram-thang-7-cung-chay-hay-cung-man-post805800.html