Rằm tháng Giêng: Đào cuối vụ giảm giá sâu

Vào dịp Rằm tháng Giêng, các cành đào cuối vụ giảm giá mạnh, chỉ còn từ 50.000 đồng/cành, được bày bán tràn lan trên vỉa hè nhưng lượng người mua không nhiều.

Cành đào giảm sâu nhưng người mua vẫn ít

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường vẫn xuất hiện nhiều cành đào cuối vụ được bày bán để phục vụ người dân chơi hoặc mua cúng vào dịp Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu). Khác với trước Tết, giá của những cành đào này tương đối phải chăng.

Cành đào cuối vụ xuống phố phục vụ thị trường Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Cành đào cuối vụ xuống phố phục vụ thị trường Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Khảo sát tại các chợ hoa Quảng An, Vạn Phúc, và khu vực dọc đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho thấy, giá đào sau Tết đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với mức giá trước Tết, nhưng lượng khách mua vẫn khá ít.

Lượng khách mua đào tại khu vực đường Lạc Long Quân không nhiều. Ảnh: Lê An

Lượng khách mua đào tại khu vực đường Lạc Long Quân không nhiều. Ảnh: Lê An

Những cành đào to trước đây có giá từ 700.000 - 800.000 đồng, nay chỉ còn khoảng 200.000 đồng/cành. Cành đào nhỏ trước đây từ 150.000 - 200.000 đồng/cành nay chỉ còn 50.000 - 80.000 đồng/cành. Những cây đào rừng hay đào thế, trước Tết có giá từ 1 đến 2 triệu đồng, nay cũng chỉ còn 500.000 đồng/cây.

Các cành đào nhỏ có giá trung bình 150.000 đồng/cành. Ảnh: Lê An

Các cành đào nhỏ có giá trung bình 150.000 đồng/cành. Ảnh: Lê An

Bà Lan Anh, một khách hàng ở phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: "Tôi mua thêm một số cành đào để trang trí cho ngày Rằm tháng Giêng và thay thế cành đào đã cũ từ trước Tết. Đào đang nở đẹp, giá lại phải chăng, rất thích hợp để làm đẹp không gian nhà cửa".

Mặc dù giá đã giảm sâu, nhưng nhiều tiểu thương vẫn cảm thấy lo lắng. Họ mong đợi khách hàng đến đông hơn để "gỡ gạc" lại một mùa Tết không mấy thuận lợi. Chị Thanh Hương, một tiểu thương tại đường Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết: "Năm nay, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi), việc bán đào rất khó khăn. Nhiều người năm nay lại chọn những loại cây khác như hoa lê rừng, hoa mận trắng thay vì đào như mọi năm. Cả mùa Tết này, chúng tôi gần như không có lãi, chỉ hy vọng ít nhất có thể hòa vốn. Một cây đào, giá trước Tết lên tới cả triệu đồng, giờ chỉ còn 300.000 đồng, nhưng vẫn rất khó bán"

Tại khu vực quận Hoàng Mai, dù còn rất nhiều cành đào nhưng các tiểu thương cũng đối mặt với tình cảnh tương tự. Chị Thu cho biết: "Năm nay, tôi nhập hơn 100 cây đào, nhưng mới bán được khoảng một nửa. Mặc dù đã giảm giá mạnh, chỉ còn 1/3 so với trước Tết, nhưng lượng khách hỏi mua đào vẫn ít ỏi”.

Cơn bão Yagi khiến mùa vụ bán đào của các tiểu thương gặp không ít khó khăn. Ảnh: Lê An

Cơn bão Yagi khiến mùa vụ bán đào của các tiểu thương gặp không ít khó khăn. Ảnh: Lê An

Theo chia sẻ từ các tiểu thương, tình hình buôn bán năm nay gặp khó khăn do tâm lý người tiêu dùng thay đổi. Người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn so với các năm trước. Các doanh nghiệp, công ty năm nay cũng có xu hướng thuê cây chơi Tết thay vì mua trực tiếp để tiết kiệm chi phí. Nếu có mua, họ cũng chọn những cây có giá trị thấp hơn. Do đó, nhiều cây cảnh có giá từ 1 triệu đồng đến cả chục triệu đồng vẫn chưa bán được, nằm lại trên các sạp hàng.

Nhiều mặt hàng có giá ổn định

Chiều 11/2 (tức ngày 14 tháng Giêng), theo ghi nhận, giá cả các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi có sự biến động. Nhưng trên thực tế, người mua không quá bận tâm về vấn đề này bởi gia đình nào cũng có nguyện vọng chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất, đầy đủ để thắp hương vào ngày Rằm Tháng Giêng.

Qua khảo sát tại các chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy thị trường trở nên nhộn nhịp với đa dạng các mặt hàng như hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, xôi, chè... Tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, trong khi giá của hoa tươi và trái cây có sự điều chỉnh nhẹ, các mặt hàng như xôi, gà, rau xanh vẫn giữ mức ổn định.

Hoa tươi được nhiều người quan tâm dịp Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Hoa tươi được nhiều người quan tâm dịp Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Tại các khu chợ dân sinh, các loại trái cây đẹp mắt, rực rỡ như bưởi da xanh, vú sữa tím, táo đỏ, xoài cát chu, xoài thái, thanh long, cam vàng… được tiêu thụ mạnh mẽ.

Cụ thể, giá dưa hấu dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, thanh long đẹp từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, bưởi có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/quả, xoài cát từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, táo xuân giòn 35.000 đồng/kg, hồng xiêm từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Chuối có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/nải, loại đẹp có thể lên đến 80.000 - 130.000 đồng/nải, trong khi bưởi hồ lô có giá dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng/quả.

Một số loại trái cây có xu hướng tăng giá dịp Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Một số loại trái cây có xu hướng tăng giá dịp Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An

Bên cạnh đó, giá hoa tươi cũng có sự tăng nhẹ so với ngày thường. Hoa hồng có giá từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/bông, hoa cúc vàng từ 7.000 đồng lên 12.000 đồng/bông. Hoa vạn thọ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/cây, hoa cát tường từ 45.000 - 50.000 đồng/bó, hoa ly đơn từ 110.000 - 120.000 đồng/bó 5 cành, và hoa ly kép từ 250.000 đồng/bó 5 cành.

Ngoài ra, các món ăn như bánh chưng, bánh tét, xôi gấc, chè trôi nước cũng được tiêu thụ mạnh. Một chiếc bánh chưng truyền thống cỡ trung có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/chiếc, trong khi xôi gấc có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/đĩa, tùy vào kích cỡ.

Năm nay, Rằm tháng Giêng vào ngày thứ Tư trong tuần (12/2 Dương lịch, tức 15/1 Âm lịch) nên nhiều gia đình đã làm lễ cúng Rằm tháng Giêng vào ngày Chủ nhật (tức 12 Âm lịch). Do đó, thị trường đồ cúng, trái cây, hoa tươi đã bắt đầu nhộn nhịp từ cuối tuần trước. Nhìn chung, thị trường hàng hóa phục vụ Rằm tháng Giêng năm nay đa dạng các mặt hàng thực phẩm, hoa quả, rau xanh không tăng giá, thậm chí một số loại còn rất rẻ.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ram-thang-gieng-dao-cuoi-vu-giam-gia-sau-373331.html