Rằm tháng Giêng, vào chùa lễ Phật không nên làm những việc sau để năm mới không bị phạm
Chuẩn bị vào chùa lễ Phật có một số việc nên chú ý tránh để không bị phạm, nhất là ngày Rằm tháng Giêng - ngày rằm đầu tiên của năm mới.
Ý nghĩa việc đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng
Dân gian có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" để nói về tầm quan trọng của ngày rằm đầu tiên trong năm.
Tháng Giêng là tháng đầu tiên của năm, trong dân gian có câu "tháng Giêng là tháng ăn chơi" - theo tập tục là vì con người làm việc quanh năm mệt mỏi nên muốn được nghỉ ngơi, thư nhàn một chút.
Riêng đối với người theo đạo Phật, Rằm tháng Giêng quan trọng hơn cả, họ thường đi chùa lễ Phật cầu an, xin sức khỏe, bình an, gửi gắm ước nguyện, cầu mong một năm mới tốt lành... Nhưng chùa chiền và các điểm tâm linh là nơi tôn nghiêm, có một số điều không nên phạm ở trong khuôn viên chùa như sau:
Những điều không nên phạm trong khuôn viên chùa khi đi lễ Rằm tháng Giêng
Không dâng lễ mặn cúng Phật
Cúng dường, dâng lễ là việc người dân hay làm ở chùa. Lưu ý là hương án nơi Tam bảo (chính điện) chỉ dâng hương, hoa, oản khảo, xôi chè, trái cây... hoặc mâm lễ chay.
Lễ chay dâng Tam Bảo cũng không quá cầu kỳ, không trọng ở mâm cao cỗ đầy. Đồ lễ tùy tâm, tùy vùng miền, nhưng tránh lãng phí, tốn kém.
Không dâng cúng vàng mã, tiền thật lên ban thờ Phật. Giáo lý nhà Phật không ủng hộ chuyện đốt vàng mã gây tốn kém.
Tiền thật thì có thể đặt ở hòm công đức nhà chùa, không đặt ở các ban thờ.
Mặc trang phục phù hợp đi lễ chùa
Dù Rằm tháng Giêng hay bất cứ thời điểm nào đi lễ chùa người dân chú ý:
- Trang phục đi lễ chùa cần phù hợp. Nên mặc trang phục gọn gàng, nếu có áo tràng thì tốt. Nếu không có thì có thể chọn áo cùng tông màu với áo của các phật tử hay mặc đi lễ chùa là phù hợp nhất.
- Chị em phụ nữ tránh mặc quần ngắn, hay váy quá ngắn, các loại áo mỏng, cổ quá trễ... vào chùa. Nếu lỡ mặc rồi thì không nên vào chùa, hoặc có thể dùng đồ chống nắng mặc ngoài. Khi lễ bái thì nên ý tứ hơn.
Ăn nói nhẹ nhàng khi đi lễ chùa Rằm tháng Giêng
- Tới chùa phải ăn nói cần nhẹ nhàng. Không nói chuyện, bình phẩm, nói những lời bất kính đối với Phật Thánh. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
- Với nhà sư thì xưng là bạch thầy… và xưng mình là con (ý như là đang thưa chuyện với đức Phật, nếu nhà sư đó hướng đạo thì còn có ý là thầy dạy đạo).
- Khấn vái, quỳ lạy cần phải lên trước và đứng chếch sang một bên (không nên đứng thẳng Tam bảo), cũng không nên đi qua mặt những người đang quỳ lạy khấn vái.
- Không tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật. Không ngồi nói chuyện, hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi, sổ mũi, nhổ bậy… quanh khu vực Phật điện...
Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, muốn chiêm bái tượng Phật nên đứng từ ngoài để quan sát.
- Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
- Tuyệt đối không tự ý dùng, hoặc mang bất kỳ đồ đạc gì của nhà chùa về nhà, hay đặt lên ban thờ nhà mình. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại.
- Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc… vào tam bảo bái Phật.
Năm qua thiên tai dịch bệnh nên nhiều người làm ăn không được suôn sẻ, nhưng đi qua mấy đợt đại dịch mà bạn và người thân vẫn bình yên là rất may mắn rồi.
Năm nay tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, người dân đi lễ chùa thì có thể bái Phật rồi về nhà tụng kinh niệm Phật, ưu tiên làm lễ tại gia để tâm an, đảm bảo an toàn, chú ý giãn cách an toàn, không tụ tập đông người.
Rằm tháng Giêng và những ngày sóc, ngày vọng người dân đi chùa lễ Phật cốt thành tâm, hướng thiện để lòng người thanh thản, nhẹ nhõm. Người xưa đã dạy "thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa".