Rau dớn - món ăn dân giã, thuốc bổ tự nhiên
Rau dớn thường được dùng trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra còn là dược liệu tự nhiên đáng quý mang lại cho sức khỏe.
Cây rau dớn là loại thảo mộc mọc bò thuộc họ dương xỉ, chiều dài khoảng 0.5 - 1m, rễ và thân dớn ngắn. Lá cây rau dớn có hình nhọn như ngọn giáo, lá non có phiến kép lông chim 1 lần, khi lá trưởng thành có phiến kép lông chim 2 lần. Lá rau dớn mọc so le, lá chét dưới sẽ có cuống trong khi lá chét trên thì không.
Mặt sau lá dớn, ở phần gân phụ sẽ thấy có một ổ túi bào tử hình tròn, nhỏ, màu vàng sáng xếp đều trên gân. Nhiều người thường lầm tưởng cây dương xỉ là cây dớn tuy nhiên trên thực tế hai loại cây này là hoàn toàn khác nhau.
Theo quan niệm của y học cổ truyền
Y học cổ truyền quan niệm rau dớn có tính mát, có nhiều công năng:
- Nước sắc từ lá cây rau dớn là một loại thuốc bổ sau sinh cho phụ nữ.
- Nước sắc từ lá non, thân và rễ rau dớn có thể chữa ho, nhất là ho ra máu.
- Phần lá cây có thể chữa đau nhức đầu, sốt, làm lành vết thương, trị các bệnh nhiễm trùng da, trị tiêu chảy, trị kiết lỵ.
Theo quan niệm của y học hiện đại
- Kháng khuẩn: Nghiên cứu về chiết xuất ethanol chứa trong 19 loại rau truyền thống được thực hiện ở Malaysia trong đó có rau dớn cho thấy rằng loại cây này có hoạt tính kháng khuẩn.
Ngoài ra, chiết xuất DE trong nước và cồn còn tìm thấy ở rau dớn hoạt tính chống lại vi khuẩn gây bệnh ở thực vật và người như Salmonella a Arizonae, E. coli, Staph aureus,...
- Chống oxy hóa: Rau dớn chứa hàm lượng flavonoid khoảng 19,974 mg QE /g sấy khô có khả năng chống oxy hóa với mức ức chế khoảng 24.590%.
- Chống nấm: Chiết xuất methanolic thu được từ lá và thân của cây rau dớn có khả năng kháng nấm rộng. Không những thế, chiết xuất chloroform từ loại rau này còn có hoạt tính kháng tất cả loại nấm có giá trị MIC dao động 0.02 - 2.50mg/ml.
- Tẩy giun: Phần thân và rễ của rau dớn chứa chất chiết xuất từ ete có thể tẩy giun sán.
- Giảm đau: Lá cây rau dớn chứa Sterol và Flavonoid. Nghiên cứu về hoạt tính giảm đau được thực hiện thông qua việc dùng axit axetic gây ra sự quằn quại ở chuột. Chiết xuất dạng nước đã cho thấy khả năng giảm đau mạnh mẽ ở các mô hình đau ngoại vi và viêm trung ương. Từ đó có thể thấy được khả năng giảm đau của rau dớn là do sự có mặt của hai loại hoạt chất này.
Một nghiên cứu khác được thực hiện để đánh giá hoạt động giảm đau từ flavonoid bán tinh khiết trên chiết xuất D. esculentum ethanolic qua phương pháp quằn quại gây ra axit axetic. Kết quả thu được là khi tăng liều lượng lên thì hoạt động giảm đau cũng tăng lên.
- Chống tiểu đường: Nghiên cứu về hoạt động ức chế glucosidase được thực hiện từ năm loại dương xỉ ăn được trong đó có cây rau dớn cho thấy khả năng của loại rau này mạnh hơn. Ngoài ra, rau dớn còn có độc tính tế bào tùy thuộc trên liều lượng với tế bào K562.
- Chống viêm và bảo vệ gan: Đánh giá hoạt động bảo vệ gan và chống viêm của rau dớn, đã có nghiên cứu cho thấy hoạt tính bảo vệ gan có tác dụng ức chế độc tính tại gan do CCl4. Ngoài ra, chiết xuất metanol còn cho thấy khả năng ức chế cao nhất với lipoxygenase và cyclooxygenase-2 ở nồng độ 1000 µg.
Các bài thuốc thường dùng
- Làm lành vết thương và cầm máu: dùng 50g rau dớn rửa sạch đem giã nhỏ rồi đắp trực tiếp lên trên vết thương.
- Chữa kiết lỵ, hen suyễn, sốt rét, đau bụng: lấy 20g thân rễ rau dớn đem cắt bỏ phần rễ con và rửa sạch sau đó đem thái nhỏ rồi sắc lên cùng 200ml nước cho đến khi chỉ còn 50ml thì chắt nước ra chia thành 2 lần uống/ ngày.
- Chữa bỏng: dùng 100g lá rau dớn non, 100g ruột của quả bí ngô đem giã nát và đắp lên vết bỏng.
- Chữa nhiễm trùng, ghẻ, mụn nhọt: lấy phần lá rau dớn non đem giã nhuyễn và đắp lên tổn thương.
Món ăn từ rau dớn
- Món luộc: Đây là món ăn vô cùng đơn giản, chỉ cần lấy rau dớn tươi xanh luộc lên chấm mắm là được.
- Món trộn: Lấy thịt ba chỉ, tôm sông đem thái hạt lựu rồi ướp cùng hành tím băm nhỏ, hạt nêm, nước mắm, tiêu và trộn đều lên. Tiếp theo đó hãy phi hành cho thơm và cho thịt, tôm vào xào chín. Cuối cùng, cho rau dớn đã được luộc sơ vào rồi đảo đều. Trước khi ăn nên rắc lên bề mặt món trộn này một ít lạc rang để kích thích thêm vị giác.
Món xào: Rau dớn tươi đem rửa sạch, chần qua nước sôi rồi vớt ra để ráo. Tiếp sau đó phi vàng tỏi tươi và cho phần rau đã chuẩn bị vào. Cuối cùng, thêm hạt nêm, tương ớt, đường, tiêu, lạc giã dập và ít nước cốt chanh rồi trộn đều lên.
- Món nộm: Chọn ngọn rau dớn cong non đem rửa sạch sau đó phơi nắng cho tái và cho vào chõ đồ xôi bằng gỗ đồ lên trong khoảng 20 phút. Tiếp sau đó đem đổ rau vào bát to rồi cho thêm ớt, tỏi, gừng, nước cốt chanh, rau thơm, hạt nêm, muối trắng và trộn đều, để 5 phút cho các gia vị ngấm vào rau. Cuối cùng, lấy lạc rang giã nhỏ rải lên trên.
Vài lưu ý khi dùng rau dớn
Mặc dù rau dớn tương đối lành tính song khi sử dụng loại rau mọc dại này, cần lưu ý một số điều sau đây:
Lá rau dớn non có thể chứa lượng nhỏ độc tố dương xỉ, do đó luôn thận trọng để tránh nguy cơ bị ngộ độc. Tuy nhiên, chưa có ghi nhận trường hợp ngộ độc rau dớn nào cho đến nay.
Cần rửa rau thật kỹ trước khi ăn, nên ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ những ký sinh trùng bám trên lá rau.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rau-don-mon-an-dan-gia-thuoc-bo-tu-nhien-286424.html