Rau lạ mang tên 'dư tiền', phải trèo cây mới hái được, vị ngọt mà không chứa đường

Loại rau này không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa lượng sắt và kẽm cao hơn nhiều lần so với rau chân vịt.

Cây lạ mang tên “dư tiền”

Rau xanh thường gắn liền với vị đắng hoặc hơi chan chát. Nhưng ở một vùng đất, người dân lại tìm thấy một loại “rau” ngọt thanh, không hề chứa đường. Đặc biệt hơn cả, người ta phải trèo lên cây cao mới có thể hái được loại “rau” này.

Đây là cây du lùn (Ulmus pumila), hay còn được gọi là cây du châu Á. Ở một số nơi như Trung Quốc, chúng còn được gọi với cái tên du tiền, đồng âm với “dư tiền” trong tiếng Trung. Tên gọi này xuất phát từ hình dạng hoa trên cây - mọc thành chuỗi giống như chuỗi tiền xu. Đến mùa hoa, cây thường xum xuê “tiền” nên mới có tên gọi như vậy.

Những chuỗi hoa này còn được gọi là “rau dư tiền” vì có thể ăn được như rau rừng. Chúng có vịt ngọt, nếu ăn sống còn cảm nhận được vị giòn như xà lách. Ở Trung Quốc, người ta thường trèo lên cây để hái loại hoa này, sau đó dùng làm món bánh bao hấp.

Loại rau rừng này chứa nhiều chất xơ, có lợi cho tiêu hóa. Quả “dư tiền” cũng chứa hàm lượng sắt và kẽm dồi dào, cao gấp 2-3 lần rau chân vịt. Rau có vị ngọt dù không chứa đường, nên rất phù hợp cho những bệnh nhân tiểu đường sử dụng. Ngoài ra, đặc sản này còn có giá trị y học nhất định, chủ yếu có công dụng hỗ trợ bồi bổ lá lách và dạ dày, thanh nhiệt và an thần.

Lá cũng ăn được, gỗ có thể xây nhà

Loài cây này chủ yếu mọc ở các vùng nông thôn, ở thành phố cũng có nhưng số lượng tương đối ít. Do đó, giá bán của chúng cũng khá cao, gần 40 NDT (130.000đ) cho 1 gói 200g.

Vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, khi cây trong thời kỳ ra hoa, những chuỗi hoa rực rỡ sẽ nở bùng khắp nơi. Lúc này, không chỉ hoa mà ngay cả lá non của cây “dư tiền” cũng có thể ăn được.

Ngoài ra, xưa kia gỗ cây “dư tiền” còn được dùng để làm đồ nội thất ở các vùng nông thôn Trung Quốc, thậm chí có thể dùng để xây nhà.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/rau-la-mang-ten-du-tien-phai-treo-cay-moi-hai-duoc-vi-ngot-ma-khong-chua-duong-20424210805440593.htm