'Rau phát tài' giá bạc triệu, bị cấm khai thác ở nước ngoài, ở Việt Nam có loại cùng tên, giá 700.000 đồng/kg

Tuy ngoại hình vô cùng xấu xí nhưng loại rau 'phát tài' này lại có giá trị dinh dưỡng cực cao.

Thứ nhìn như mớ tóc rối này thực chất là một loại tảo ăn được - tảo “facai”. Đây là một đặc sản ở Trung Quốc, chúng mọc trên đất liền, nhìn như những sợi tóc đen và dài. Trong tiếng Trung, “facai” đồng âm với “phát tài” nên chúng còn được gọi là rau phát tài. Tại Việt Nam, chúng được biết đến với cái tên “tóc tiên Trung Quốc”.

Từ lâu, rau tóc tiên đã trở thành món ăn đặc sản không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở đất nước tỷ dân Trung Quốc. Với ý nghĩa "cung hỷ phát tài", món ăn này được người dân tin rằng sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho cả gia đình trong năm mới. Rau tóc tiên thường được bán ở dạng khô, khi nấu sẽ nở ra và tỏa hương thơm nhẹ nhàng, thanh mát như mùi rong biển. Xưa kia, vì tính quý hiếm và thơm ngon, nó còn là cống phẩm dâng lên vua chúa.

Loài tảo này được phân bố rộng rãi ở các sa mạc và những vùng đất cằn cỗi như Cam Túc, Nội Mông, Thanh Hải, Tân Cương ở Trung Quốc. Môi trường khô ráo, ít mưa ở những khu vực này là điều kiện lý tưởng cho chúng phát triển.

Do nhu cầu tiêu thụ cao tại Trung Quốc, rau phát tài đã bị khai thác triệt để khiến số lượng ngoài tự nhiên giảm mạnh. Đặc biệt là khi các kiến thức về dinh dưỡng ngày càng phát triển, nhiều chuyên gia đã phát hiện ra rau phát tài có giá trị dinh dưỡng cực cao. Hàm lượng protein của rau phát tài thậm chí còn cao hơn cả trứng và thịt. Đồng thời nó cũng rất giàu canxi, sắt, phốt pho và các nguyên tố khoáng chất khác.

Ngoài giá trị ăn được, rau phát tài còn được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau như huyết áp cao và các bệnh phụ khoa. Trước kia, tại các chợ đen ở Quảng Đông, Bắc Kinh và nhiều nơi khác ở Trung Quốc, giá rau phát tài từng lên đến 350 - 500 NDT (1,1 - 1,6 triệu đồng)/kg. Dù đắt đỏ là vậy, song chúng vẫn thu hút rất đông thực khách sành ăn giàu có.

Trong vài thập kỷ qua, giá rau phát tài tăng vọt đã gây ra sự bùng nổ khai thác. Mặc dù công nghệ hiện đại đã cho phép trồng rau phát tài nhân tạo, song người tiêu dùng dĩ nhiên vẫn ưa chuộng loại được khai thác ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, hành vi khai thác thiếu kiểm soát không chỉ khiến nguồn rau phát tài hoang dã quý hiếm sụt giảm mạnh mà còn gây ra tác động thảm khốc đến môi trường sinh thái địa phương. Xói mòn đất đồng cỏ trên diện rộng, suy thoái đồng cỏ và sa mạc hóa ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho việc xây dựng hệ sinh thái đồng cỏ và sản xuất chăn nuôi.

Điều này tạo ra tác động dây chuyền: bão cát gia tăng, tấn công ngay cả những thành phố xa xôi như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Năm 2000, chính quyền Trung Quốc thực hiện lệnh cấm khai thác, thu gom, bán và xuất khẩu rau phát tài. Sự khan hiếm nguồn cung đẩy giá mặt hàng này lên cao. Năm 2024, giá rau phát tài hiện ở mức 125 USD (2,9 triệu đồng)/kg.

Tại Việt Nam cũng có một loại rau cùng tên với “tóc tiên” Trung Quốc, nhưng ở nước ta, chúng là rong mái chèo nước ngọt, thường tạo thành từng mảng lớn sống ở những kênh, rạch, sông ngòi có nước đứng hoặc nước chảy chậm. Rong tóc tiên này ở dạng sợi nhỏ như tóc, có màu xanh đen.

Tóc tiên ở nước ta thường được chế biến ở dạng khô tạo thành từng búi, giống mớ tóc rối của con người. Loại rong này mang hương thơm nhẹ nhàng của rong rêu, khi ăn có vị ngọt tự nhiên và mang hương thơm dễ chịu. Giá của tóc tiên Việt cũng rẻ hơn tóc tiên Trung Quốc, khoảng gần 700.000đ/kg.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/rau-phat-tai-gia-bac-trieu-bi-cam-khai-thac-o-nuoc-ngoai-viet-nam-co-loai-tuong-tu-ma-gia-re-hon-204242510190007261.htm