Rau quả Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế

Năm 2024 sắp kết thúc, trong đó rau quả nổi lên là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu (XK) nông sản, với kim ngạch lần đầu tiên có thể đạt tới trên 7,2 tỷ USD.

Chia sẻ với PV Báo CAND chiều 28/11, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, tính sơ bộ đến hết tháng 11/2024, kim ngạch rau quả dự kiến đạt 6,6 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ và cao hơn 900 triệu USD so với cả năm 2023); tháng 12 dự kiến kim ngạch đạt 500-600 triệu USD.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam là điểm sáng trong năm 2024.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam là điểm sáng trong năm 2024.

Lý giải về tháng 12 chỉ ước đạt con số như vậy, ông Nguyên cho hay, sầu riêng của Việt Nam tháng 12 trái vụ nên ít hàng, kim ngạch sẽ không cao, nhưng việc rau quả đạt kim ngạch kỷ lục này phần lớn là nhờ XK sầu riêng. Tính đến tháng 11, XK sầu riêng chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch XK rau quả của cả nước, với giá trị 3,1 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, kim ngạch XK sầu riêng có thể đạt tới 3,2 tỷ USD trước khi kết thúc năm, khẳng định vị thế của loại trái cây này trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Nguyên, rau quả hiện nay tiêu thụ chính ở thị trường khu vực Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…), trong đó Trung Quốc là thị trường chính. Thị trường Đông Bắc Á chiếm tới 77-80% kim ngạch của ngành rau quả và đây là khu vực rất quan trọng của ngành rau quả Việt Nam.

Cùng với đó, Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch XK rau quả sang thị trường Mỹ ước đạt gần 287 triệu USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc. Nhiều sản phẩm trái cây, rau củ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này như dừa tươi, bưởi, thanh long, chanh leo... Ngoài ra, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất… đều ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Đơn cử, với thị trường Australia, trong tháng 10, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên đã được XK sang thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào thị trường được đánh giá là khó tính nhất thế giới. Theo ông Phan Quốc Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Blue Ocean (Blue Ocean JSC), để trái chanh leo tươi được XK sang Australia, phải xây dựng được vùng trồng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và có sự kiểm tra, giám sát phía đối tác. Đồng thời, khâu sản xuất phải bảo đảm quy trình, quy chuẩn, tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học.

Tín hiệu tốt từ thị trường nhập khẩu, đơn hàng ngày càng được mở rộng điều đó cho thấy các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có chỗ đứng và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Để có được kết quả này, ông Nguyên cho rằng, người nông dân Việt tiếp cận với chuyển đổi số nhanh và cầu thị, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ trồng trọt, tuân thủ các quy định, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo; cùng với đó, sự phối hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp cũng chuyên nghiệp hơn tạo ra những vùng trồng chất lượng. Ông Nguyên còn cho rằng, với đà tăng như hiện nay, năm 2025, kim ngạch XK rau quả có thể kỳ vọng đạt 8 tỷ USD. Cơ hội là rất lớn, song ông Nguyên khuyến cáo người dân, bên cạnh việc nâng cao sản lượng cũng phải giữ vững được chất lượng. “Nếu có chất lượng thì chúng ta không sợ không có chỗ bán hàng”, ông Nguyên nói.

Để khẳng định vị thế và tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn XK bền vững và kiểm soát thu hoạch. Đồng thời cập nhật những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp rau quả Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn, mở rộng thị trường XK.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/rau-qua-viet-nam-da-co-cho-dung-tren-thi-truong-quoc-te-i751751/