Reuters: Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WTO
Ngày 27/3, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Mỹ đã tạm dừng đóng góp tài chính cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu Chính phủ.
Được biết, WTO có ngân sách hoạt động năm 2024 là 205 triệu franc Thụy Sĩ ( tương đương 232,06 triệu USD). Theo tài liệu công khai của WTO, Mỹ dự kiến đóng góp khoảng 11% ngân sách dựa trên tỷ lệ thương mại toàn cầu của nước này.
Trước đó, trong cuộc họp ngân sách WTO ngày 4/3, một đại diện Mỹ thông báo việc thanh toán khoản đóng góp năm 2024 và 2025 đang bị tạm dừng trong thời gian Chính phủ Mỹ xem xét lại hoạt động đóng góp cho các tổ chức quốc tế.

Hoạt động của WTO sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu Mỹ dừng đóng góp tài chính (Ảnh: Reuters).
Một nguồn tin khác cũng xác nhận thông tin trên và tiết lộ WTO đang lên"Kế hoạch B" để ứng phó với việc đình chỉ đóng góp kéo dài, song không cung cấp thêm chi tiết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp vào tháng trước trong đó yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio đánh giá lại tất cả các tổ chức quốc tế mà Mỹ là thành viên trong vòng 180 ngày để xác định xem liệu có đi ngược lại lợi ích của Mỹ hay không.
"Việc đóng góp cho WTO cùng các tổ chức quốc tế khác vẫn đang trong quá trình xem xét", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, người phát ngôn WTO Ismaila Dieng xác nhận Mỹ tạm dừng đóng góp vào tổ chức này.
Cũng theo ông Dieng, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách WTO đã thông báo tới các thành viên WTO về việc Mỹ cùng với 5 quốc gia khác bao gồm Bolivia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Gabon và Gambia chưa thanh toán nghĩa vụ tài chính.
Ông Dieng cho hay việc tạm dừng đóng góp tài chính của Mỹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Ban Thư ký WTO song tổ chức này vẫn đang quản lý tài chính thận trọng và có kế hoạch đối phó.
Theo tài liệu của WTO đề ngày 21/2 và được phân loại hạn chế tiếp cận, tính đến cuối tháng 12/2024, Mỹ còn nợ 22,7 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 25,7 triệu USD). Quy định của WTO nêu rõ nếu một thành viên không thanh toán phí trong hơn một năm, tổ chức này có thể áp biện pháp trừng phạt hành chính theo ba cấp độ.
Hiện tại, Mỹ đang ở cấp độ đầu tiên của hệ thống, đồng nghĩa đại diện Mỹ không được phép chủ trì các cơ quan WTO hoặc nhận tài liệu chính thức từ WTO.
Ông William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định Mỹ sẽ thanh toán hết nghĩa vụ tài chính cho WTO bởi theo ông, việc chính quyền Tổng thống Trump đề cử nhân sự cho chức vụ Đại sứ Mỹ tại WTO cho thấy họ vẫn có ý định tiếp tục tham gia tổ chức này.
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách rút lui khỏi nhiều tổ chức, định chế trên toàn cầu mà họ cho là đi ngược lại với chính sách kinh tế "Nước Mỹ trên hết" đồng thời cắt giảm tài trợ cho những tổ chức khác để cân đối chi tiêu liên bang.
Trước đó, trong năm 2029, WTO đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi ông Trump chặn bổ nhiệm thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm WTO, khiến hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO rơi vào tình trạng tê liệt một phần. Tại thời điểm đó, Washington cáo buộc Cơ quan Phúc thẩm WTO lạm quyền trong các vụ tranh chấp thương mại.