Rõ dần phương án đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Điều kiện tiên quyết để Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có thể triển khai thành công theo phương thức đối tác công tư (PPP) là tỷ lệ vốn nhà nước tham gia phải tiệm cận 70% tổng mức đầu tư.

Tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt được đề xuất đầu tư xây dựng theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn nhà nước (Ảnh minh họa do AI tạo)

Tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt được đề xuất đầu tư xây dựng theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn nhà nước (Ảnh minh họa do AI tạo)

Thêm tín hiệu thuận

Sau đúng 5 tháng kể từ khi nhận được chỉ đạo, cuối tuần trước, Bộ Xây dựng đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức PPP (Công văn số 3037/BXD - KHTC).

Trước đó, tại Công văn số 114/VPCPCN ngày 5/1/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), phối hợp với các địa phương liên quan xác định rõ khả năng cân đối vốn và bố trí vốn nhà nước tham gia Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt (Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt).

Được biết, trong Công văn số 10487/BKHĐT-PTHTĐT ngày 19/12/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp với các địa phương xác định cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án phù hợp với quy định tại Điều 12, Luật PPP; xác định rõ Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập hay do nhà đầu tư đề xuất để có cơ sở thực hiện quy trình chuẩn bị Dự án tuân thủ quy định của pháp luật về PPP.

Theo đề xuất của 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn (chân đèo Prenn), tại phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 80,8 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8 km.

Dự án được đề xuất đầu tư một lần theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 22 - 24,75 m, hướng tuyến Dự án đi song song với Quốc lộ 27C khoảng 1 - 7 km.

Theo đề xuất của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng, Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 18.889 tỷ đồng.

Với chiều dài tuyến khoảng 80,8 km, quy mô xây dựng 4 làn xe theo quy hoạch, trung bình suất đầu tư của Dự án khoảng 233,775 tỷ đồng/km, cao hơn khá nhiều so với suất vốn đầu tư xây dựng và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2023 do Bộ Xây dựng công bố. Vì vậy, Bộ GTVT được đề nghị phối hợp với các địa phương rà soát, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án phù hợp, bảo đảm tính hợp lý, chính xác.

Trong báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng đánh giá, việc đầu tư Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức PPP sẽ huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Bộ Xây dựng đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với mức vốn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng để triển khai một số dự án quan trọng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, như mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Như vậy, việc cân đối vốn cho Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Xây dựng là khó khả thi.

“Trường hợp Dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa, thì Dự án đủ điều kiện để triển khai theo hình thức PPP; tiến trình đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt thuộc tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ được triển khai đầu tư trước năm 2030”, công văn của Bộ Xây dựng, do ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ký, nêu rõ.

Liên quan việc xác định rõ Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập hay do nhà đầu tư đề xuất để có cơ sở thực hiện quy trình chuẩn bị Dự án, Bộ Xây dựng cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa không báo cáo nội dung này.

Hiện Thủ tướng Chính phủ chưa giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền dự án. Sau khi được Thủ tướng giao làm cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai kêu gọi nhà đầu tư thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định, hoặc tỉnh Khánh Hòa chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư và suất đầu tư của Dự án, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án như đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ bản phù hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021.

“Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 409/QĐ-BXD ngày 11/4/2025 công bố suất vốn đầu tư xây dựng và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2024. UBND tỉnh Khánh Hòa cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật để đánh giá suất vốn đầu tư của Dự án bảo đảm phù hợp theo quy định”, lãnh đạo Bộ Xây dựng khuyến nghị.

Cần hỗ trợ lớn từ Nhà nước

Tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 10/2024, UBND 2 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn nhà nước.

Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất Dự án; đơn vị lập báo cáo đề xuất đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn.

Lãnh đạo UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư xây dựng Dự án trước năm 2030; ưu tiên bổ sung Dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành GTVT; đồng thời chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đề trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; đồng thời kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Trong Công văn số 3575/UBND - XDNĐ gửi Bộ Xây dựng vào cuối tháng 3/2025 để làm rõ, giải trình một số nội dung của Dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đi qua các huyện Diên Khánh (4,5 km), huyện Khánh Vĩnh (39,7 km) thuộc tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương (36,6 km) thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy định tại Phụ lục III, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ và báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, huyện Diên Khánh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; huyện Khánh Vĩnh và huyện Lạc Dương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, phần lớn Dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm khoảng 94,43% chiều dài), còn lại trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo quy định tại điểm c, khoản 16, Điều 3, Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Dự án đủ điều kiện để áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tối đa 70% tổng mức đầu tư.

UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, qua tính toán sơ bộ phương án tài chính, trường hợp tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án là 70% tổng mức đầu tư, thì thời gian hoàn vốn của Dự án là 23 năm 7 tháng 13 ngày. “Thời gian hoàn vốn này giúp Dự án có tính khả thi để kêu gọi các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia bỏ vốn đầu tư theo phương thức PPP”, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Đối với nội dung này, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, trường hợp Dự án được hỗ trợ vốn ngân sách trung ương, đoạn Nha Trang - Đà Lạt (khoảng 80,8 km) sẽ có tiến trình đầu tư trước năm 2030; đoạn Đà Lạt - Liên Khương (khoảng 18 km) sẽ đầu tư sau năm 2030, thay vì đầu tư toàn bộ tuyến Nha Trang - Liên Khương sau năm 2030 như quy hoạch được phê duyệt.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, với năng lực và kinh nghiệm đã được chứng minh trong vai trò cơ quan chủ quản Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các công trình cấp đặc biệt, cấp I, UBND tỉnh Khánh Hòa có đủ khả năng đảm nhận là cơ quan chủ quản Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Nếu phương án này được cấp có thẩm quyền chấp thuận, công tác đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ thuận lợi khi khai thác được các nguồn lực tại chỗ, tăng tính chủ động, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu tại chỗ, qua đó có thể đẩy nhanh được tiến độ hoàn thành Dự án.

“Việc phân cấp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong việc lập quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư”, lãnh đạo Bộ Xây dựng phân tích.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ro-dan-phuong-an-dau-tu-cao-toc-nha-trang---da-lat-d281762.html