Nhiều rủi ro khi mua tài sản đấu giá trong các vụ án kinh tế
Tại Hội thảo 'Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng' do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14/5, Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TP nêu nhiều vấn đề trong việc đấu giá tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Ông Ngụy Cao Thắng - Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, những năm qua, cơ quan thi hành án dân sự TP đã xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng với các tài sản có giá trị rất lớn. Cơ quan này đưa ra đấu giá các loại tài sản đặc thù, có tình trạng pháp lý phức tạp.
Cụ thể, những rủi ro khi khi mua tài sản thi hành án như đất đai, bất động sản,… là cơ quan thi hành án không thu giữ được giấy tờ bản chính sổ hồng. Trong các vụ án kinh tế tham những, nhiều dự án được kê biên đưa nhưng chưa thực hiện đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cấp giấy chứng nhận cho người trúng đấu giá khi kê biên rất khó khăn và tốn nhiều chi phí.

Ông Ngụy Cao Thắng trình bày tham luận.
"Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có điều kiện về chuyển nhượng dự án bất động sản có những điều kiện bắt buộc như: Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án đã được chấp thuận chủ trương, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đất đai,… Thứ hai là về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng dự án. Câu hỏi đặt ra là trước khi đấu giá, cơ quan thi hành án có phải xin chủ trương từ những dự án này hay không" - Ông Thắng cho biết thêm.
Ngoài ra, quá trình chuyển nhượng các dự án còn gặp một loạt khó khăn như: người mua tài sản đấu giá không giải tỏa được quyết định kê biên của cơ quan điều tra; bị nhiều cơ quan ngăn chặn trong quá trình xử lý tài sản thi hành án; tranh chấp sau đấu giá...
Người mua tài sản đấu giá trong quá trình thi hành án cũng có thể đối diện với các rủi ro như đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hết thời hạn sử dụng đất; các dự án chưa rõ ràng về tính pháp lý; vướng mắc trong xử lý bất động sản liên quan các vụ đại án; kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân;...

Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.
Đối với dự án bất động sản bị kê biên đấu giá trong các vụ án kinh tế, khi đấu giá thành công vẫn còn nhiều vướng mắc trong chuyển nhượng dự án. Ông Ngụy Cao Thắng nói: "Ngay cả khi giấy tờ hợp lệ mà đi chuyển dịch tài sản cũng khó khăn, chưa kể đối với tài sản thi hành án, việc kê biên đưa ra đấu giá không thu được giấy tờ bản chính, hoặc bản chính thất lạc, hoặc những giấy tờ từ xưa như bằng khoán điền thổ, giấy mua bán trước năm 1991 cũng gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người trúng đấu giá"
Để khắc phục được các vấn đề trên, ông Thắng kiến nghị cần có quy định riêng đối với đấu giá tài sản thi hành án trong Luật thi hành án và các văn bản về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và có cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi cho người mua.
Nhiều dự án không thể chuyển nhượng được dẫn đến giá trị tài sản sẽ cực thấp, gây thiệt hại cho nhà nước. Bởi vậy, cần có cơ chế riêng cho các dự án đang dở dang, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, thu hồi tài sản cho nhà nước một cách giá trị nhất. Ngoài ra cần hoàn thiện Luật đấu giá tài sản và tháo gỡ vướng mắc của các cơ quan thi hành án.