Rộn rã tiễn Đông kiểu Nga

Cứ đến cuối mùa Đông, người Nga lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Maslenitsa kéo dài cả tuần.

Maslenitsa là lễ hội chào đón Mặt trời cổ xưa nhất của người Slav còn sót lại. Ảnh: News.cgtn.com

Maslenitsa là lễ hội chào đón Mặt trời cổ xưa nhất của người Slav còn sót lại. Ảnh: News.cgtn.com

Cứ đến cuối mùa Đông, người Nga lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Maslenitsa kéo dài cả tuần. Với họ, đây là khoảng thời gian đại diện cho sự thức tỉnh, đổi mới, sinh sôi nên ai cũng háo hức, vui chơi hết mình.

Mừng Mặt trời và đón nước

Maslenitsa hay còn gọi Tuần Bơ (Butter Week), Tuần Bánh Kếp (Crepe Week)… là một lễ hội cổ truyền của người Slav phương Đông. Nó được tổ chức vào tuần cuối cùng trước Mùa Chay, tùy vào sự biến động của thời tiết mà sẽ rơi vào đúng cuối Đông đầu Xuân.

Theo bằng chứng khảo cổ, Maslenitsa có từ thế kỷ II, là lễ hội Slav lâu đời nhất vẫn còn sót lại. Trong văn hóa tâm linh Slav, mùa Xuân tượng trưng cho sự thức tỉnh của thiên nhiên, khả năng đổi mới và sinh sôi nảy nở, nên tiễn Đông để chào đón Xuân là nghi thức cần thiết.

Cũng theo nhận thức tâm linh của người Slav, Mặt trời là bánh xe lửa lăn trên bầu trời, chuyển đổi đêm thành ngày. Mùa Xuân đến, Mặt trời rực rỡ hơn và lăn chậm hơn nên ngày dài hơn đêm.

Để đón chào Mặt trời mùa Xuân, người Slav kéo cỗ xe trượt tuyết chở bánh xe quay khổng lồ ra giữa trời. Tại một số vùng, nam thanh niên đẹp trai nhất được chọn và cho mặc trang phục nữ, ngồi trên bánh xe, vì người Slav quan niệm “Mặt trời mang giới tính nữ”.

Sau Mặt trời, nước là đối tượng thứ 2 được nghênh đón. Người Slav cho bầu trời là đại dương còn những đám mây là các con thuyền. Thần sấm sét Perun lao vun vút trong đám mây giông, có khi xuất hiện dưới hình dạng con bò tót đang nổi cơn thịnh nộ, có lúc lại giống như người chăn cừu lùa đàn mây cừu lên cao và vắt tia sét từ chúng ra như người ta vắt sữa.

Ở Arkhangelsk, Tây Bắc nước Nga, người dân vẫn duy trì nghi lễ triệu hồi mưa Xuân và giông bão có từ xa xưa bằng việc chuẩn bị xe trượt tuyết khổng lồ 20 ngựa kéo (hoặc nhiều hơn). Trên cỗ xe này, họ để con bò đực tượng trưng cho thần Perun và cho kéo đi quanh thành phố.

Ăn bánh kếp thỏa thích

Lễ hội Maslenitsa được tổ chức vào đúng tuần cuối cùng trước Mùa Chay, khoảng thời gian các giáo dân phải thực hiện ăn chay nghiêm ngặt kéo dài 40 ngày. Vì thế, người Nga tranh thủ ăn tất cả những gì muốn ăn và uống mọi thứ muốn uống suốt cả tuần.

Món ề hề nhất trong Maslenitsa là bánh kếp. Bánh kếp Nga đặc trưng bởi độ béo, vì được phết rất nhiều bơ. Sự ấm nóng của bánh kếp đại diện cho Mặt trời, còn hình tròn tượng trưng cho vòng luân hồi sinh tử. Ngoài bơ, người Nga còn phết mứt, kem, trứng cá muối… lên và ăn kèm với bất cứ món nào mà họ muốn như thịt nguội, cá hồi…

Mục tiêu của mỗi người Nga trong Maslenitsa đều là ăn nhiều bánh kếp nhất có thể. Theo quan niệm của họ, bánh kếp với hình tròn thiêng liêng và độ nóng lý tưởng sẽ bảo vệ họ khỏi cái ác và sưởi ấm họ hết Mùa Chay.

Bắt đầu từ thứ Hai của Maslenitsa, người Nga đã tấp nập đổ bánh kếp, mời mọc người nhà và làng xóm cùng ăn. Theo truyền thống, chiếc bánh đầu tiên sẽ được chia cho người nghèo nhất.

Bước sang thứ Ba, mẹ vợ mời con rể về nhà vợ thưởng thức bánh kếp do chính tay mình đổ. Ngoài mở tiệc bánh kếp ở nhà, các gia đình còn đặt tiệc bánh kếp ở nhà hàng, tiệm cà phê… để thực đơn bánh kếp đa dạng hơn.

Thứ Tư, Năm, trẻ em Nga gõ cửa từng nhà xin bánh kếp. Người ta cho rằng, truyền thống này chính là nguồn gốc của phong tục “cho kẹo hay bị ghẹo” trong Halloween.

Thứ Sáu, con rể trả lễ bánh kếp cho mẹ vợ bằng cách tự tay đổ bánh kếp và mời. Đàn ông Nga không biết đổ bánh kếp hoặc làm bánh kếp không ngon bị đánh giá thấp, thậm chí bị cho là có thái độ thiếu tôn trọng đối với nhà vợ.

Thứ Bảy, các chị em dâu tụ tập và lại ăn bánh kếp. Chủ nhật, bánh kếp vẫn là thực đơn chính và, sau bữa tối với rất nhiều bánh kếp, người Nga chính thức bước vào Mùa Chay. Họ sẽ không đụng đến một giọt dầu mỡ nào trong suốt 40 ngày.

Suốt tuần Maslenitsa, người Nga ăn bánh kếp 'thả cửa'. Ảnh: Expatexplore.com

Suốt tuần Maslenitsa, người Nga ăn bánh kếp 'thả cửa'. Ảnh: Expatexplore.com

Vui chơi hết mình

Cũng trong Mùa Chay, các hoạt động vui chơi bị cấm đoán. Có thể nói, Maslenitsa là dịp cuối cùng để người Nga “xõa” hết mình. Đầu tiên, Maslenitsa đại diện cho cuộc chiến giữa mùa Đông với mùa Xuân nên các trò chơi đấu đôi, bao gồm cả tay đôi lẫn đồng đội, được lựa chọn. Hai trò chơi cạnh tranh và phấn khích nhất có lẽ là đá bóng kiểu Maslenitsa và đánh chiếm pháo đài tuyết.

Mỗi ngày trong tuần Lễ hội Maslenitsa đều có một hoạt động quan trọng. Thứ Hai, người ta làm búp bê Lady Maslenitsa khổng lồ bằng rơm, tượng trưng cho mùa Đông. Búp bê ăn mặc rách rưới nhưng đầy màu sắc rồi khiêng diễu hành, sau đó cắm lên một ngọn đồi tuyết.

Thứ Ba, gần như toàn bộ người Nga đều ra khỏi nhà, đua nhau chơi trượt tuyết, cưỡi xe trượt tuyết, xem hòa nhạc, dạo hội chợ… Thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy, mọi người thỏa thích gặp gỡ, tiệc tùng, khiêu vũ… Thời phong kiến, Maslenitsa còn khá nhiều tục lệ kỳ quặc như tắm khỏa thân và múa thoát y công khai, lấy bánh kếp cài tóc, hôn bừa, bắt vạ trai gái độc thân…

Đỉnh điểm của Maslenitsa là ngày Chủ nhật, lễ “hiến tế” nàng Maslenitsa bằng cách đốt. “Búp bê Lady Maslenitsa là hình nộm đại diện cho mùa Đông nên nó phải bị “giết” trước khi người ta nghênh đón mùa Xuân”, nhà văn hóa dân gian Vsevolod Miller (1848 - 1913) giải thích.

Cuối Maslenitsa, người Nga đốt Lady Maslenitsa. Ảnh: Rbth.com

Cuối Maslenitsa, người Nga đốt Lady Maslenitsa. Ảnh: Rbth.com

Vào cuối ngày này, mọi người vây quanh Lady Maslenitsa, lột bỏ y phục của “nàng” và châm lửa. Khi lửa cháy to, người ta ném luôn những chiếc bánh kếp còn thừa vào.

Tro của Lady Maslenitsa và bánh kếp được thu gom sạch sẽ, đem bón cho cây trồng với mục đích cầu mùa vụ mới bội thu. Mỗi nông hộ Nga cũng tự làm một nàng Maslenitsa kích thước nhỏ, rước quanh nhà cửa, vườn tược và đốt vào ngày thứ Tư hoặc thứ Năm, ném tro ra sân hoặc rải lên ruộng, vườn.

Vũ Thị Huế (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ron-ra-tien-dong-kieu-nga-post665753.html