Rộn ràng lễ hội té nước Bunpimay ở Buôn Đôn
Hòa vào không khí rộn ràng của Tết Bunpimay, người Việt gốc Lào tưng bừng té nước lên nhau để gửi gắm lời chúc năm mới an lành, may mắn và vạn sự như ý.
Tưng bừng Tết Bunpimay
Sáng 12/4, tại khu du lịch cầu treo Buôn Đôn (thuộc buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào 2568 năm 2025 đã chính thức khai mạc.
Bunpimay, hay còn gọi là "Bun Hốt Nậm", là Tết năm mới và cũng là lễ hội té nước đặc trưng của người Lào, diễn ra vào trung tuần tháng 4 hằng năm. Đây là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo Phật lịch.

Nghi lễ rước Phật tại Tết Bunpimay.
Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa Lào đã diễn ra như: Rước nàng chúa Xuân Nang Sang Khăng, lễ tắm Phật, đắp tháp cát, lễ hội hoa đăng, cột chỉ tay cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc, múa lăm vông, diễu hành voi - xe hoa, tiệc buffet cho voi, trình diễn nghệ thuật dân gian… Tất cả làm nên một không gian văn hóa sôi động, đậm đà bản sắc.
Đặc biệt, màn té nước vui nhộn tại Tết Bunpimay – Lào 2568 đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Trong quan niệm của người Lào, nước là biểu tượng của sự thanh khiết, xua tan xui rủi, mang đến khởi đầu tốt lành. Mỗi giọt nước được té ra không chỉ để vui đùa, mà còn là lời chúc sức khỏe, may mắn và thịnh vượng.

Đắp tháp cát là phong tục, tín ngưỡng lâu đời của các bộ tộc Lào.
Người trẻ nhẹ nhàng té nước lên tay người già để tỏ lòng kính trọng và cầu mong sống lâu trăm tuổi. Bạn bè, người thân vui vẻ té nước lên nhau, như gửi gắm tình cảm, gắn kết và lời chúc tốt lành trong năm mới. Từ những bát nước trong vắt đến những tiếng cười giòn tan, tất cả tạo nên một bức tranh rộn ràng.
Lễ hội không chỉ là dịp đặc biệt để cộng đồng người Việt gốc Lào sống tại Buôn Đôn hướng về cội nguồn, mà còn vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.

Những nụ cười giòn tan trong hội té nước.

Nghi thức thả hoa đăng để xả xui, xua đi những điều không lành trong năm cũ.

Mọi người thích thú với màn té nước.

Sư thầy vẫy nước ban phước lành, cầu may mắn cho mọi người.

Người Lào quan niệm nước là biểu tượng của sự thanh khiết, xua tan xui rủi, mang đến khởi đầu tốt lành.
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc
Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào 2568, huyện Buôn Đôn phối hợp tổ chức triển lãm lưu động "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, nhằm cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cũng như giới thiệu về những hoạt động bảo vệ chủ quyền và cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Triển lãm cũng góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Người dân và du khách trải nghiệm hoạt động thân thiện với voi.
Một điểm nhấn khác của ngày hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật "Buôn Đôn - Huyền thoại một vùng đất", kể lại câu chuyện truyền thuyết và đời sống của người dân các dân tộc Buôn Đôn bằng âm nhạc, vũ đạo và ánh sáng. Đặt biệt, chương trình "Rực rỡ sắc màu - Trình diễn pháo hoa nghệ thuật", tạo nên một khoảnh khắc khó quên trong lòng du khách và người dân địa phương.
Ông Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho biết, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào 2568 là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Qua đó, góp phần tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Ông Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn nói về ý nghĩa của việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào 2568.
Những hoạt động của ngày hội cũng nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của huyện Buôn Đôn và tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Từ đó, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của huyện Buôn Đôn.
"Thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn và Tết Bunpimay - Lào năm 2025, tôi hy vọng công tác thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho ngành du lịch sẽ từng bước khởi sắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao và bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của cộng đồng, cùng tình yêu và trách nhiệm của mỗi người, chúng ta sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn nói chung và Tết Bunpimay - Lào nói riêng", ông Nuôi nhấn mạnh.

Những bông hoa chăm pa tô điểm thêm vẻ đẹp dịu dàng cho các cô gái.

Ngày Tết Bunpimay, khi khách đến xông nhà được chủ nhà buộc chỉ trắng, xanh, đỏ vào cổ tay để cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới. Sau ít nhất 3 ngày mới được tháo chỉ khỏi cổ tay, để điều may mắn đến với người đeo trong suốt cả năm.