'Rồng lửa' xuất hiện trên đỉnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản), có thể giải thích thế nào?

Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản được coi là một trong những ngọn núi đẹp và nổi tiếng nhất thế giới. Có rất nhiều hình ảnh mỹ miều về ngọn núi này đã được ghi lại, và mới đây là hình ảnh 'rồng lửa' bay trên đỉnh núi, khiến nhiều người nghĩ đến những bức tranh và truyền thuyết xa xưa liên quan đến ngọn núi này.

Ngọn núi Phú Sĩ (Fuji) cao 3.776 mét là núi cao nhất ở Nhật Bản, cũng được coi là một trong những biểu tượng lớn nhất ở đất nước này. Đối với người Nhật, núi Phú Sĩ có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần và cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Mà vẻ đẹp của núi Phú Sĩ không chỉ ở bản thân ngọn núi đó, mà còn ở những hiện tượng thiên nhiên liên quan đến núi.

Mới đây nhất có lẽ chính là hình ảnh “rồng lửa” trên đỉnh núi Phú Sĩ, được ghi là chụp vào rạng sáng nay, 29/11. Trên đỉnh núi Phú Sĩ là dải ánh sáng uốn lượn màu cam rất lạ mắt, thực sự tạo nên hình ảnh giống rồng lửa.

"Rồng lửa" bay trên đỉnh núi Phú Sĩ. Ảnh: True North.

"Rồng lửa" bay trên đỉnh núi Phú Sĩ. Ảnh: True North.

Nhiều cư dân mạng trầm trồ trước hình ảnh này và bình luận rằng "rồng đã ra khỏi núi và bay cao”, có ý nói đến con rồng vẫn trú ngụ ở ngọn núi này. Vì theo nhiều truyền thuyết xa xưa thì rồng là biểu tượng của hạnh phúc, may mắn, cũng được coi là một vị thần ngự ở núi Phú Sĩ. Bởi vậy mà trong nhiều tác phẩm từ xưa, các họa sĩ người Nhật khi vẽ núi Phú Sĩ thường vẽ cả hình rồng, theo trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Dù nhiều người nghĩ hình ảnh “rồng lửa” trên đỉnh núi Phú Sĩ hôm nay có ý nghĩa tâm linh, nhưng về khoa học thì đây thực ra là mây màu cam lúc bình minh và tình cờ có hình uốn lượn giống rồng như vậy.

Trong những tác phẩm về núi Phú Sĩ từ xa xưa cũng hay có hình rồng. Ảnh: Hokusai/ Roning Gallery.

Trong những tác phẩm về núi Phú Sĩ từ xa xưa cũng hay có hình rồng. Ảnh: Hokusai/ Roning Gallery.

Vậy tại sao lại có mây màu cam? Là vì vào lúc bình minh (và hoàng hôn), Mặt Trời ở gần đường chân trời hơn, ánh sáng phải vượt qua khoảng cách dài hơn để đến mắt người quan sát. Do hiện tượng tán xạ Rayleigh, hầu hết ánh sáng có bước sóng ngắn (xa da trời, xanh lá cây…) đã bị tán xạ nhiều lần, chỉ có ánh sáng với bước sóng dài (đỏ, cam, vàng) đi đến mắt người quan sát.

Ngoài ra, do nhiều yếu tố khí tượng ở quanh núi cao nên trên đỉnh núi Fuji cũng hay có những đám mây lạ mắt hơn ở những nơi khác. Đã không ít lần người ta chụp được ảnh “mây đĩa bay” (mây thấu kính) hoặc các loại mây hiếm có khác trên đỉnh ngọn núi ấn tượng này.

Một hình ảnh núi Phú Sĩ với mây như cái mũ rất độc đáo. Ảnh: Raymond R Carr.

Một hình ảnh núi Phú Sĩ với mây như cái mũ rất độc đáo. Ảnh: Raymond R Carr.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/rong-lua-xuat-hien-tren-dinh-nui-phu-si-nhat-ban-co-the-giai-thich-the-nao-post1695847.tpo