Bộ Nội vụ có chỉ đạo mới về sáp nhập tỉnh, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu khẩn trương xây dựng nghị định về chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để trình Chính phủ trước 30-5.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Công văn 2560 về việc thực hiện Kết luận 155 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến 30-6-2026.

Đánh giá tác động của chế độ, chính sách với cán bộ ảnh hưởng do sắp xếp

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao Vụ Tổ chức - Biên chế chủ trì hằng tuần theo dõi và cập nhật thường xuyên về số lượng cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy. Chủ động gửi Bộ Tài chính để thực hiện phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp.

Cùng đó, rà soát, đánh giá tác động của chế độ, chính sách đối với cán bộ, người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, người theo các tôn giáo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng nghị định về chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để trình Chính phủ, chậm nhất trước 30-5.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: VGP

Vụ Tổ chức - Biên chế chủ động báo cáo các tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Vụ Chính quyền địa phương được giao chủ trì khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bốn nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) bảo đảm văn bản hướng dẫn được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (trước ngày 24-6, ngày Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để thẩm định một đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, 34 đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua làm cơ sở cho các địa phương triển khai việc sắp xếp để bảo đảm đi vào vận hành cấp xã từ ngày 1-7, cấp tỉnh sau ngày 30-8.

Không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ

Vụ Công chức - viên chức chủ trì khẩn trương tham mưu ban hành bảy nghị định và một thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bảo đảm văn bản hướng dẫn được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Trong đó, chú ý vấn đề cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt yêu cầu phân cấp, phân quyền, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (trước ngày 24-6, ngày Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức).

Vụ Pháp chế khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có quy định chuyển tiếp rõ ràng, không để khoảng trống, không để gián đoạn công việc. Những nội dung này bảo đảm nguyên tắc Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phân cấp, phân quyền đủ mạnh, đủ rõ, hợp lý các nhiệm vụ ở trung ương đang thực hiện về cho địa phương theo đúng tinh thần "địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Ngoài ra, cần rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ.

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc số hóa tài liệu để bảo đảm an toàn tài liệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định; đồng thời kiểm tra, giám sát việc rà soát, kiểm kê, chỉnh lý hoặc tiêu hủy hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị sẵn sàng bàn giao khi không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (phòng tránh nguy cơ thất lạc, làm mất hoặc tiêu hủy tài liệu, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai, dự án đầu tư...).

Trước đó, tại Kết luận 155, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp; khẩn trương ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Đảng ủy Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn, khẩn trương tổ chức thực hiện việc số hóa tài liệu, tuyệt đối bảo đảm an toàn tài liệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; các quy định, hướng dẫn có liên quan của các bộ, ngành để làm cơ sở hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương.

Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh công chức xã, phường; chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách.

Còn tại Kết luận 157, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến tiêu chuẩn chức danh công chức xã, phường, đặc khu kèm theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; về chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoàn thành trước 15-6.

N.THẢO - Đ.MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bo-noi-vu-co-chi-dao-moi-ve-sap-nhap-tinh-ho-tro-nguoi-hoat-dong-khong-chuyen-trach-cap-xa-post852038.html