Rốt ráo gỡ khó vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm phía Nam

Bộ GTVT đề nghị các địa phương đẩy nhanh thủ tục cấp phép, ưu tiên vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Thông tin về tình hình cung ứng vật liệu thi công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết, thời điểm hiện tại, nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: Lê An).

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: Lê An).

Tại khu vực phía Nam, khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chưa đạt được tiến độ thi công như kỳ vọng.

Điển hình, trong 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM) do 14 địa phương làm cơ quan chủ quản, chỉ có các tỉnh, thành: TP.HCM, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang có khối lượng thi công đáp ứng yêu cầu.

"Khó khăn về nguồn vật liệu đắp cũng khiến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra (dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chậm 9%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau chậm 7,6%)", Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ GTVT, sau kỳ họp lần thứ 10 và 11 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì tại TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), các địa phương xác định nguồn cung, phương án điều phối vật liệu xây dựng.

Các chủ đầu tư, nhà thầu đã tích cực phối hợp với địa phương xác định nguồn vật liệu đắp nền và cấp Bản xác nhận đăng ký khai thác.

Tuy nhiên, nếu không sớm triển khai thủ tục phân bổ, điều phối và khai thác theo phương án do Bộ GTVT đề xuất, việc đảm bảo nguồn vật liệu để các dự án đáp ứng tiến độ thi công là rất khó.

Tháo gỡ khó khăn hiện hữu, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Vĩnh Long phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục vận động người dân, có các biện pháp quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng cản trở việc khai thác đối với 2 mỏ cát trên địa bàn tỉnh trước ngày 20/6/2024.

"Cùng mốc thời gian trước ngày 20/6, tỉnh Sóc Trăng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp Bản xác nhận khai thác cát biển và cát sông để các nhà thầu có thể bắt tay vào khai thác.

Tỉnh Đồng Tháp, An Giang đẩy tiến độ phê duyệt nâng công suất khai thác mỏ đối với các trường hợp đã đủ điều kiện, thủ tục", Bộ GTVT kiến nghị.

Cho biết tại tỉnh Tiền Giang, trữ lượng các mỏ cát còn khoảng gần 42 triệu m3, tỉnh Bến Tre còn khoảng hơn 25 triệu m3, Bộ GTVT đề nghị hai địa phương ưu tiên toàn bộ trữ lượng này để cấp cho các dự án trọng điểm.

Trong đó, hai tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan để tiếp tục khai thác các mỏ đã dừng nhưng còn trữ lượng; Giao mỏ cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù; hoàn thành toàn bộ các thủ tục để khai thác trong tháng 6/2024.

"Các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với các sở, ngành, các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng và công suất khai thác.

Địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cần chủ động trong việc tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu, phối hợp với cơ quan liên quan có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, đảm bảo nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án", Bộ GTVT đề nghị.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/rot-rao-go-kho-vat-lieu-cho-du-an-giao-thong-trong-diem-phia-nam-192240615105105341.htm