Rốt ráo thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế
Tổng cục Thuế cho biết, do hậu quả của dịch Covid-19, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, điều này khiến tiền thuế nợ tháng 3/2023 tăng so với cuối tháng 2/2023. Để thu hồi nợ cũ, đồng thời không để phát sinh nợ mới, Tổng cục Thuế đang rốt ráo thực hiện nhiều giải pháp.
Đã thu trên 10 nghìn tỷ đồng nợ thuế
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành trong tháng 3/2023 ước đạt 1.840 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 3/2023 ước thu được 10.153 tỷ đồng; trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 9.345 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 808 tỷ đồng.
Một số địa phương có số thu nợ lớn trong tháng 3/2023 đó là: Hải Phòng, Thanh Hóa…, trong đó, thu của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) 465 tỷ đồng; thu của Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (Hải Phòng) 20 tỷ đồng; thu của Công ty CP nhiên liệu bay Petrolimex 37 tỷ đồng...
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến thời điểm ngày 31/3/2023, tổng số tiền thuế nợ toàn ngành đang quản lý khoảng 145.674 tỷ đồng, tăng 1,2% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 1,3% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến thời điểm 31/3/2023 là 125.667 tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 0,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Trong đó, nợ tiền thuế có khả năng thu khoảng 78.317 tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm ngày 28/2/2023, tăng 1,3% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu khoảng 25.440 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 5,1% so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) khoảng 21.910 tỷ đồng, tăng 0,6% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 2,7% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tổng cục Thuế cho biết, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi nêu trên không bao gồm tiền thuế nợ đã được xử lý khoanh nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Số tiền thuế nợ đang xử lý ước tính là 8.994 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 4,7% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện ước tính là 10.950 tỷ đồng, giảm 2,7% so với thời điểm ngày 28/2/2023, giảm 4,2% so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Đánh giá về nguyên nhân tăng nợ, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, tiền thuế nợ tăng so với thời điểm 28/2/2023 một phần do hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh, nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư.
Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các năm, đã và đang tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
Xuất hiện nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn, kéo dài
Tổng cục Thuế cho biết, một yếu tố khác làm tăng nợ thuế là các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP, thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP đã hết thời gian gia hạn, nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN), dẫn đến nợ các khoản thuế phí và nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng so với thời điểm 28/2/2023 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế và tiền phạt chưa kịp thời nộp vào NSNN.
Tổng cục Thuế cho biết, một số doanh nghiệp nợ thuế tăng so với tháng trước và một số doanh nghiệp có nợ lớn kéo dài. Cụ thể, tại nhóm doanh nghiệp bất động sản có: Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt tại TP. Hồ Chí Minh, tại thời điểm 31/12/2022 đang nợ 2.714 tỷ đồng, trong đó 2.573 tỷ đồng đã phân vào nợ đang khiếu nại.
Xử lý nợ ước đạt 36.584 tỷ đồng
Thông tin về công tác xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến cuối tháng 3/2023 đã thực hiện xử lý nợ ước đạt 36.584 tỷ đồng. Trong đó: xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 7.601 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty TNHH phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 tại TP. Hồ Chí Minh thời điểm 31/12/2022 đang nợ 6.146 tỷ đồng, trong đó 5.866 tỷ đồng đã phân loại vào nợ đang khiếu nại. Công ty CP Golden Hill tại TP. Hồ Chí Minh, đang nợ 1.289 tỷ đồng, phát sinh chủ yếu nợ tiền sử dụng đất (1.270 tỷ đồng), trong năm 2023 chưa nộp...
Còn tại nhóm kinh doanh xăng dầu: Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà tại Thái Bình nợ 1.830 tỷ đồng (trong đó nợ thuế bảo vệ môi trường là 1.214 tỷ đồng) tăng 62 tỷ đồng so với đầu kỳ; Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức tại Nghệ An nợ 578 tỷ đồng (trong đó nợ thuế bảo vệ môi trường là 355 tỷ đồng), tăng 121 tỷ đồng so với đầu kỳ; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch xuyên việt Oil tại TP. Hồ Chí Minh nợ 1.534 tỷ đồng (trong đó nợ thuế bảo vệ môi trường là 1.246 tỷ đồng)...
Trước tình hình nợ thuế có xu hướng tăng, ông Mai Xuân Thành - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản thi hành...; đẩy mạnh xử lý khoanh nợ, xóa nợ, để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.../.