Rủi ro gì cho ngành xe điện?
Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, ngành xe điện đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Từ sự cạnh tranh của dòng xe lai hybrid, doanh số bán sụt giảm, nhà đầu tư thoái vốn cho đến hàng rào thuế quan của các quốc gia để bảo hộ các doanh nghiệp nội địa.
Chạy đua với BYD
Đầu tư vào BYD - Hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc từ năm 2008, Berkshire Hathaway - công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffett chỉ bỏ ra 230 triệu USD để mua 225 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, kể từ khi giá cổ phiếu BYD đạt đỉnh vào thời điểm đó đến nay, quỹ đầu tư này đã liên tục bán cổ phiếu BYD ra.
Theo thông báo nộp lên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm 25/6, cổ phần của Berkshire trong hãng xe điện Trung Quốc BYD tại ngày 19/6 chỉ còn 5,99%, giảm mạnh từ mức 19,92% khi Berkshire bắt đầu cắt giảm tỷ lệ nắm giữ vào năm ngoái. Việc liên tục thoái vốn BYD của Berkshire Hathaway cũng trùng hợp với làn sóng giảm giá cổ phiếu gần đây của các hãng xe điện lớn, từ BYD đến Tesla và SAIC Motor để giảm lượng hàng tồn kho.
Trong khi đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện đang ngày trở nên quyết liệt hơn giữa những tay chơi lớn, vốn nhận được hàng loạt chính sách hỗ trợ từ các quốc gia.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý đầu tiên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm sau dịch covid-19, là một trong những nguyên nhân khiến triển vọng kinh doanh của các hãng xe điện bi quan hơn.
Vào ngày 4/7, BYD đa khai trương nhà máy mới trị giá 486 triệu USD ở Thái Lan. Nhà máy này không chỉ phục vụ thị trường nội địa, mà phần lớn công suất 150.000 xe hàng năm sẽ được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và châu Âu. Đồng thời, BYD cũng triển khai các chương trình giảm giá bán sâu, cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt mà các nhà sản xuất xe điện và hãng ô tô đang phải đối mặt tại Thái Lan, khi doanh số bán đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và người dân không muốn vay mua xe.
BYD cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại Campuchia với công suất sản xuất tối đa 20.000 xe mỗi năm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu quốc tế, (Theo thông tin được công bố trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Campuchia Hun Manet và ông Liu Xueliang, Tổng Giám đốc bộ phận kinh doanh ôtô BYD châu Á - Thái Bình Dương hôm 15/7) và đang rầm rộ tiến công vào thị trường Việt Nam, mở đường cho xe địen Trung Quốc tràn vào.
Trong khi đó, hãng xe điện Vinfast của Việt Nam lại đang đốc thúc xây dựng nhà máy sản xuất tại Indonesia và triển khai hoạt động đầu tư vào thị trường Ấn Độ, nhằm tận dụng những cơ chế ưu đãi. Chính sách xe điện mới của Ấn Độ được công bố gần đây là một bước đột phá trong việc định vị quốc gia này là điểm đến sản xuất ưa thích cho xe điện công nghệ cao.
Chính sách này bao gồm các điều khoản khuyến khích thành lập các nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, nội địa hóa cao cho ngành công nghiệp xe điện, ưu đãi về thuế và giới hạn số lượng xe điện được phép nhập khẩu vào thị trường tỷ dân này. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Tesla, VinFast, Jaguar Land Rover và Foxconn thiết lập các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh và phát triển.
Và những chính sách bảo hộ
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cho biết sẽ cấp 1,7 tỷ USD để hỗ trợ mở rộng hoặc hồi sinh các cơ sở sản xuất xe điện và linh kiện liên quan. Nguồn quỹ trên sẽ hướng tới việc chuyển đổi 11 cơ sở đã đóng cửa hoặc có nguy cơ đóng cửa tại tám tiểu bang, trong đó có Michigan, Georgia, Pennsylvania, Ohio, Illinois và Indiana. Các quan chức cho biết khoản đầu tư trích từ Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) sẽ hỗ trợ sản xuất xe điện và “cứu” 15.000 việc làm.
Được biết IRA cũng cho phép ưu đãi thuế hàng tỷ USD để giúp người tiêu dùng nước này mua xe điện và hỗ trợ các công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định, đạo luật giảm lạm phát là công cụ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đầu tư vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông Biden nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Phản ứng lại với IRA, Bắc Kinh đã bắt đầu khiếu nại lên WTO từ cuối tháng 3, và đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập một ủy ban chuyên gia để giải quyết tranh chấp giữa nước này với Mỹ về trợ cấp xe năng lượng mới - là xe điện và xe hybrid. Phía Trung Quốc cho rằng đây là hành động phân biệt đối xử, có tính bảo hộ và vi phạm các quy định của WTO.
Cùng với đó, vào tháng 5 vừa qua Mỹ đã công bố kế hoạch tăng gần gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, lên tới mức cuối cùng là 102,5%. Tương tự, Liên minh châu Âu từ ngày 4/7 cũng áp thuế từ 17,4% đến 38,1% lên xe điện Trung Quốc, thay vì mức thuế chung 10% như trước. Nối tiếp Mỹ và EU, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đang chuẩn bị các mức thuế mới đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Đây được xem là nỗ lực nhằm cân bằng sân chơi cho các thương hiệu sản xuất trong nước, trước làn sóng xe giá rẻ từ Trung Quốc - vốn bị cáo buộc là được Chính phủ trợ cấp rất nhiều. Mặc dù Trung Quốc phủ nhận việc trợ cấp không công bằng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn gặp khó khăn. Trong đó, BYD chịu phần thuế bổ sung 17,4%, là một trong những mức thấp nhất mà EU áp dụng.
Tuy nhiên chính sách áp thuế xe điện Trung Quốc từ phía Mỹ, EU hay Canada có thể đẩy lượng hàng tồn kho của Trung Quốc tràn vào các thị trường lân cận khi tiêu thụ trong nước chậm lại. Với việc các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang xả kho, có thể Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu xe tới Đông Nam Á vì không thể xuất sang châu Âu.
Ngược lại, Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) đã hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) từ bỏ kế hoạch áp thuế đối với xe ô tô điện Trung Quốc, khi cảnh báo điều này sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất ôtô châu Âu và Mỹ có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp xe tại Trung Quốc và xuất khẩu ra các thị trường khác trên toàn cầu, đồng thời khiến EU có nguy cơ đối mặt với biện pháp trả đũa bằng thuế quan từ Bắc Kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô của Đức do nước này xuất khẩu một lượng lớn ôtô sang thị trường Trung Quốc. Hiện 2 hãng xe hơi nổi tiếng ở châu Âu là Volkswagen và BMW đều có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Trong cuộc bỏ phiếu bí mật mới đây vào hôm 17/7, 15 trong số 27 nước thành viên EU đã không ủng hộ việc tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc, trong đó có 11 quốc gia bao gồm Đức, Phần Lan và Thuy Điển bỏ phiếu trắng, 4 quốc gia phản đối và 12 quốc gia ủng hộ việc áp dụng thuế quan bổ sung.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/rui-ro-gi-cho-nganh-xe-dien-312364.html