Rủi ro giao dịch tiền điện tử - 70% sàn giao dịch tiền ảo tại Hàn Quốc không trả lại tiền cho khách
Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) đã công bố số liệu đáng kinh ngạc tới 70% sàn giao dịch điện tử tại nước này đóng cửa mà không trả lại tiền cho khách hàng. Điều này cho thấy những rủi ro tiềm ẩn của loại hình giao dịch tiền ảo.
70% sàn giao dịch tiền ảo tại Hàn Quốc đóng cửa gây thiệt hại cho khách hàng
Vừa qua, Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) của Hàn Quốc đã công bố số liệu cho thấy 7 trong 10 sàn giao dịch tiền điện tử tại quốc gia này đã đóng cửa hoặc ngưng hoạt động mà không trả lại tiền cho khách hàng. Thậm chí một số sàn còn không thông báo cho nhà đầu tư.
Tại Hàn Quốc, loại hình giao dịch bằng tiền ảo đã được phổ biến với 6 triệu người sử dụng, tương đương 10% quy mô dân số tính đến giữa năm 2023.
Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc có xu hướng giao dịch các loại tiền điện tử có giá trị nhỏ, chưa được phổ biến. Những loại tiền điện tử này thường có rủi ro cao hơn so với các đồng tiền điện tử đã phổ biến như Bitcoin hay Ethereum.
Vấn đề trên đã khiến FSS phải phối hợp với các cơ quan tài chính khác để tăng cường các quy định siết chặt hoạt động của các sàn giao dịch tiền điện tử tại đất nước này.
Nguy cơ tiềm ẩn giao dịch tiền ảo tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp phép hoạt động cho bất kỳ sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hóa nào. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tiền điện tử vẫn đang được phổ biến trong người dân với quy mô ngày càng gia tăng.
Trong tháng 5/2024, cổng thanh toán tiền điện tử Triple A đã đưa ra thống kê xếp hạng cho thấy có 21 triệu người Việt Nam sử dụng tiền ảo để giao dịch, đứng thứ 3 về số lượng trên toàn thế giới.
Các giao dịch bằng tiền số chưa được nhà nước công nhận và vẫn đang nằm trong vùng xám. Ước tính lợi nhuận thu về từ tiền số tại Việt Nam đạt 1,18 tỷ USD trong năm 2023, xếp thứ 8 trên toàn thế giới.
Đồng thời, trên sàn giao dịch tiền ảo Binance, Việt Nam cũng xếp thứ 4 về số lượng giao dịch tiền ảo.