Rủi ro toàn cầu gia tăng vì những 'cú ngoặt' chính sách từ Mỹ

Khi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra sự gia tăng các biện pháp bảo hộ trên toàn thế giới, kỷ nguyên tự do, thương mại không bị hạn chế dần đi đến hồi kết.

Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều áp lực đe dọa tăng trưởng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều áp lực đe dọa tăng trưởng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo bài viết trên Bangkok Post, ngay khi kinh tế thế giới đang phát đi những dấu hiệu ổn định, nguy cơ suy thoái toàn cầu do các vấn đề liên quan đến chính sách đã tăng đáng kể.

Bản cập nhật mới nhất của chỉ số Brookings-FT Tiger cho thấy một bức tranh hỗn hợp, với chỉ số tài chính đang giảm và niềm tin của khu vực tư nhân đang sụp đổ ngay cả khi dữ liệu kinh tế vĩ mô (vốn tụt lại so với các chỉ số khác) cho thấy một kịch bản lành mạnh hơn.

Rõ ràng, yếu tố lớn nhất là chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách này đã làm gián đoạn thương mại thế giới và gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng vốn có vẻ đầy hứa hẹn trong những ngày đầu năm.

Kinh tế Mỹ đã vận hành tốt trong quý đầu tiên của năm 2025. Sản lượng kinh tế và việc làm tăng mạnh trong tháng Ba trong khi lạm phát giảm dần. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào tháng 4 với thông báo của ông Trump về chính sách thuế quan "có đi có lại" nhắm vào hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ.

Kể từ đó, thị trường tài chính chao đảo và việc tạm dừng áp thuế quan sau đó cùng nhiều biện pháp miễn trừ khác đã không thể làm giảm tác động. Bất ổn đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng và có khả năng ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh cũng như tăng trưởng việc làm.

Tệ hơn nữa, khi chi phí thuế quan đánh vào người tiêu dùng Mỹ và đẩy lạm phát lên cao, khả năng hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bị hạn chế. Cuộc chiến thuế quan đã làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình trệ và việc hoạch định chính sách của Mỹ về cơ bản sẽ vẫn không thể đoán trước.

Trong khi đó, nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục hoạt động theo hai hướng. Các quốc gia cốt lõi như Áo, Pháp và Đức đang hoạt động kém hiệu quả và phải đối mặt với áp lực tài chính rất lớn, đặc biệt là khi tình hình bất ổn chính trị đang đẩy chi phí đi vay lên cao. Ngược lại, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chống đỡ tốt hơn.

Nhìn về phía trước, căng thẳng thương mại leo thang có thể sẽ gây thiệt hại cho các cường quốc sản xuất. Ở những nơi khác, nền kinh tế Nhật Bản và Vương quốc Anh đã ghi nhận tăng trưởng khiêm tốn, song điều này có thể sớm kết thúc do những điểm yếu tiềm ẩn liên quan đến việc thiếu không gian cho các động thái chính sách cũng như phải đối mặt với căng thẳng thương mại toàn cầu.

Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã cho thấy những dấu hiệu ổn định, hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn. Năng lực công nghiệp đang mở rộng của nước này chưa tương xứng với nhu cầu trong nước và hiện đang phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ. Trung Quốc đã đối đầu với mức thuế quan leo thang của ông Trump, áp đặt các mức thuế đáp trả cùng các biện pháp khác.

Nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục hoạt động tốt, nhờ vào tiêu dùng nông thôn mạnh mẽ và một khu vực dịch vụ sôi động. Nước này đã được bảo vệ khỏi những tác động tồi tệ nhất của thuế quan nhờ nhu cầu trong nước đang mở rộng, thị trường tài chính phục hồi và vai trò là cơ sở chuỗi cung ứng thay thế cho các tập đoàn của Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc.

Tại Brazil, sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu vào năm 2024, nhưng chính sách tài khóa lỏng lẻo đã dẫn đến lạm phát và tăng trưởng thực tế (điều chỉnh theo lạm phát) yếu hơn. Với sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đây có thể là một năm khá khó khăn. Tương tự như vậy, Nam Phi sẽ tiếp tục vật lộn, do tình trạng thiếu điện dai dẳng, tăng trưởng chậm chạp và đồng tiền suy yếu.

Cuối cùng, cú sốc kép từ thuế quan của Mỹ và công suất dư thừa gia tăng ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nghiêm trọng tăng trưởng ở những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như ở Đông Nam Á. Đồng thời, gián đoạn thương mại, gánh nặng trả nợ ngày càng tăng và dòng viện trợ nước ngoài bị thu hẹp sẽ gây ra thiệt hại đặc biệt lớn cho các nước thu nhập thấp ở châu Phi và những nơi khác.

Khi thuế quan của ông Trump gây ra sự gia tăng các biện pháp bảo hộ trên toàn thế giới, kỷ nguyên tự do, thương mại không bị hạn chế đã đi đến hồi kết. Mặc dù không có khả năng rút lui hoàn toàn khỏi thương mại tự do, nhưng các mô hình thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi, bất kể thuế quan diễn ra như thế nào.

Ngay cả trước khi ông Trump sử dụng chính sách thuế quan của mình, thương mại quốc tế đã trở nên phân mảnh hơn do các vết nứt địa chính trị ngày càng gia tăng. Và vì tài chính có xu hướng đi theo thương mại, nên sự phân mảnh của thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến các mối liên kết kinh tế xuyên biên giới yếu hơn nói chung. Ngay cả khi các cuộc chiến thuế quan hạ nhiệt cùng với hậu quả kinh tế lắng xuống, các tập đoàn trên khắp thế giới sẽ phải điều hướng trong bối cảnh toàn cầu bất ổn và biến động hơn nhiều.

Mặc dù còn quá sớm để khẳng định rằng suy thoái kinh tế toàn cầu đang ở rất gần, nhưng nguy cơ sụp đổ của thương mại toàn cầu và sự bất ổn chính sách gia tăng chắc chắn sẽ kìm hãm tăng trưởng. Mỗi quốc gia sẽ cần bảo vệ bất kỳ không gian chính sách kinh tế nào mà mình có, để có thể triển khai các công cụ này một cách hiệu quả tối đa nếu tăng trưởng chậm lại mạnh. Những cải cách nhằm thúc đẩy tính linh hoạt và khả năng phục hồi kinh tế, cùng với các biện pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước, sẽ trở nên quan trọng để vượt qua tình trạng hỗn loạn.

Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rui-ro-toan-cau-gia-tang-vi-nhung-cu-ngoat-chinh-sach-tu-my/371174.html