Rủi ro từ thực phẩm chức năng do cơ chế quản lý
Việc quản lý thực phẩm chức năng hiện nay chưa chặt chẽ khiến người tiêu dùng gặp rủi ro.
Vừa qua, vụ sản xuất kẹo rau củ Kera giả nhưng lại được quảng cáo gian dối đã khiến 2 nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội vướng vào vòng lao lý và sự nghiệp của 1 hoa hậu lao đao.
Công lý được thực thi, người vi phạm phải trả giá và phơi bày ra những bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng. Dẫu vậy, những mất mát, tổn thất từ phía người tiêu dùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh, trao đổi, mua bán thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Bộ Y tế từ năm 2022 đến đầu năm 2025 đã có khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng được công bố. 80% số sản phẩm này được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu khi xã hội phát triển, đời sống nâng cao, người dân quan tâm hơn tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Mặt khác, do có vùng nguyên liệu dồi dào nên dù là lĩnh vực mới mẻ nhưng ngành sản xuất, cung ứng, phân phối thực phẩm chức năng đã có bước tiến dài. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực thì sự phát triển nhanh, mạnh này kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người tiêu dùng bị bủa bây trong ma trận thực phẩm chức năng "vàng thau lẫn lộn". Nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có lẽ do kẽ hở trong công tác quản lý.
Khi vụ việc sản xuất kẹo rau củ Kera giả bị phanh phui, nhiều người giật mình, thậm chí phẫn nộ khi bấy lâu vẫn đặt niềm tin vào sản phẩm giả, không những không có tác dụng bảo vệ sức khỏe mà còn có thể gây nguy hại tới người dùng. Do đó, người tiêu dùng băn khoăn tại sao những sản phẩm như vậy vẫn có thể lưu thông trên thị trường?
Liệu ngoài kẹo Kera thì còn bao nhiêu thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng? Khi phát hiện ra vi phạm thì những sản phẩm đã tới tay người dùng được xử lý thế nào, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao?
Thực tế, hệ thống pháp lý quản lý thực phẩm chức năng hiện nay tương đối rõ ràng. Song thay vì tiền kiểm để kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu trước khi đưa ra thị trường thì thực phẩm chức năng lại thuộc danh mục sản phẩm quản lý hậu kiểm. Nghĩa là các tổ chức, cá nhân sản xuất chỉ cần đăng ký bản công bố, tự công bố thành phần, chất lượng sản phẩm. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành hậu kiểm theo từng loại sản phẩm. Điều này quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Do thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nên hậu kiểm trong quản lý sẽ tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, lợi dụng quy định này, một số nhà sản xuất đã lừa dối khách hàng để trục lợi.
Điểm chung của nhiều nhãn hàng thực phẩm chức năng là sử dụng người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo về sản phẩm. Thế nên dù công dụng sản phẩm có bị thổi phồng, đánh tráo khái niệm thì không ít người tiêu dùng vẫn tin tưởng lựa chọn. Không ít sản phẩm dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng lại thu hút khách hàng vì có sự "bảo lãnh" của những người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, chất lượng sản phẩm được kiểm chứng thì mới vỡ lẽ. Lúc này, lợi trước mắt không còn, hại lâu dài hiện hữu. Nếu niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm chức năng sụp đổ rất có thể họ sẽ đánh đồng, quy chụp, tẩy chay sản phẩm, làm ảnh hưởng tới những người sản xuất chân chính.
Trước những điểm nghẽn trong quản lý thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Dự thảo quy định kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thực phẩm chức năng.
Bên cạnh quy định pháp lý đang được sửa đổi phù hợp với thực tiễn thì người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao hiểu biết để lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng. Những người nổi tiếng càng cần có trách nhiệm trong việc quảng cáo sản phẩm.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/rui-ro-tu-thuc-pham-chuc-nang-do-co-che-quan-ly-409105.html