Rừng là nguồn tín chỉ carbon có giá trị cao

Không chỉ hạn chế phát thải, các hoạt động tạo ra tín chỉ carbon giá trị cao còn phải tuân thủ yêu cầu về sinh thái, sinh kế của cộng đồng bản địa và tuân thủ nguyên tắc phân chia công bằng lợi ích.

Tín chỉ carbon dựa vào phục hồi, phát triển rừng có giá bán có thể cao gấp hơn 30 lần so với giá trung bình.

Tín chỉ carbon dựa vào phục hồi, phát triển rừng có giá bán có thể cao gấp hơn 30 lần so với giá trung bình.

Thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế lượng khí thải phát sinh gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền để mua thêm “quyền được phát thải” và ngược lại, những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ nhận được thêm nguồn lợi tài chính.

Nói cách khác, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đây cũng là cách tiếp cận mới quan trọng được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực kể từ năm nay.

Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon đơn thuần là chưa đủ để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo TS. Phạm Thu Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển carbon thấp, Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Nông lâm quốc tế (ICRAF), một số dự án đầu tư lưu trữ carbon để kiếm lợi nhuận từ thị trường carbon có thể gây ra tác động tiêu cực.

Cụ thể, bà Thủy lấy ví dụ, một số dự án đang đi theo hướng phá rừng để thực hiện các hoạt động có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon dễ giao dịch hơn, ví dụ như năng lượng. Điều này có thể gây ra suy giảm về đa dạng sinh học.

Mặt khác, cuộc sống và sinh kế của người dân bản địa cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đây chính là lý do các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt thời gian tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP).

Thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025

Xuất phát từ chính những thực tế này, mới đây, khái niệm “thị trường carbon có giá trị cao” đã được đưa ra thảo luận. Đúng như tên gọi, trên thị trường carbon có giá trị cao, tín chỉ carbon sẽ có giá cao hơn so với tín chỉ carbon thông thường. Tuy nhiên, để được coi là có giá trị cao, những tín chỉ carbon này phải được tạo ra từ dự án hội tụ 3 yếu tố.

Trong đó, yếu tố đầu tiên là phải đảm bảo đa dạng sinh học và tăng cường chất lượng hệ sinh thái. Yếu tố thứ hai là đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân bản địa. Yếu tố thứ ba là đảm bảo sự công bằng về phân chia lợi ích đối với nguồn lợi từ tín chỉ carbon đối với cả doanh nghiệp lẫn người dân địa phương, tức là tuân theo nguyên tắc của “nền kinh tế do người quản lý làm chủ” (stewardship economy) – một khái niệm mới được đưa ra từ tháng 12 vừa qua.

Bà Thủy cho biết, với những tiêu chí như vậy, thị trường tín chỉ carbon có giá trị cao thường là những tín chỉ carbon được tạo ra dựa vào rừng chứ khó có thể là những dự án liên quan đến công nghiệp, năng lượng.

Rào cản của tín chỉ carbon rừng

Theo rà soát của CIFOR, trên toàn thế giới có hơn 600 dự án đầu tư vào hoạt động tạo ra tín chỉ carbon từ rừng, tập trung chủ yếu ở Nam Mỹ và châu Phi.

Một điểm đáng lưu ý là có nhiều dự án đã được khởi động kể từ những năm 1990. Bà Thủy cho biết, tính đến nay, 60% những dự án thuộc loại “cổ” đó vẫn đang hoạt động và tạo ra lợi nhuận.

Giá tín chỉ carbon từ rừng có thể cao gấp 33 lần giá tín chỉ carbon trung bình.

Người mua tín chỉ carbon cao cấp cũng ngày càng đa dạng, từ những doanh nghiệp thuộc các ngành truyền thống như năng lượng, vận tải… cho tới những khách hàng mới đến từ ngành giải trí, mỹ phẩm… Giá tín chỉ carbon rừng rất cao, cao nhất có thể đạt đến 167USD mỗi tấn, tức là gấp khoảng 33 lần so với giá trung bình của tín chỉ carbon.

Từ những số liệu trên, có thể thấy đầu tư vào tín chỉ carbon rừng có tiềm năng lớn về sinh lời. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại khi tham gia sân chơi này. Các nhà đầu tư chỉ ra 3 rào cản lớn nhất để gia nhập thị trường tín chỉ carbon rừng.

Thứ nhất, cơ sở pháp lý ở một số quốc gia không rõ ràng về quyền sử dụng đất, do đó dễ xảy ra tranh chấp đất rừng.

Thứ hai, cơ chế chia sẻ lợi ích chưa được thiết lập, dẫn đến tình trạng “không biết ai được quyền sở hữu tín chỉ carbon”. Theo bà Thủy, đây là điểm yếu của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thứ ba là những công cụ đánh giá, giám sát hoạt động tạo tín chỉ carbon đáp ứng những tiêu chuẩn về sinh thái, cộng đồng dân cư cũng như công bằng lợi ích quá tốn kém. Muốn gia nhập thị trường, nhà đầu tư cần phải tìm kiếm những khu vực thuận lợi để giảm bớt chi phí, từ đó mới có thể tạo ra lợi nhuận.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/rung-la-nguon-tin-chi-carbon-co-gia-tri-cao-1653503457005.htm