Rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng cao
Từ những đầu tư về nguồn lực, quan tâm về chính sách của Đảng và Nhà nước, A Lưới đã nỗ lực cải thiện bức tranh giáo dục ở vùng khó.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi lan tỏa văn hóa đọc
Rút ngắn khoảng cách
“Tin yêu và ước vọng” là chủ đề bài học cô giáo Nguyễn Thị Huệ dạy tại lớp 8/1, Trường THCS Lê Lợi (A Lưới) vào tháng 2 vừa qua. Đây là tiết dạy được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chọn để sinh hoạt cụm chuyên môn ngữ văn khối trung học cơ sở (THCS) năm học 2024 - 2025. Tiết học mở đầu bằng bài hát “Cô gái mở đường” do các em học sinh thể hiện trong trang phục bộ đội, truyền tải tinh thần thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến để cô giáo bắt đầu bài giảng.
Lớp 8/1 gồm học sinh người Kinh và người dân tộc thiểu số. Không khí tiết học sôi nổi, học sinh hứng thú với bài giảng, tích cực phát biểu, “truyền lửa” cho cô giáo thăng hoa. Để truyền tải cho học sinh tinh thần thanh niên xung phong trong thời bình, cô giáo Nguyễn Thị Huệ lồng ghép hình ảnh hàng nghìn thanh niên TP. Huế xung phong lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Điều này khơi gợi trong học sinh lòng tự hào, tình yêu thiêng liêng với quê hương, đất nước.
Tiết dạy được Sở GD&ĐT đánh giá thành công. Góp ý sau giờ dạy, nhiều giáo viên dự giờ cho rằng, hầu như không có nhiều khoảng cách giữa học sinh ở A Lưới với các trường ở trung tâm thành phố. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Tôi rất vui và tự hào khi Sở GD&ĐT chọn một tiết dạy ở vùng cao A Lưới để sinh hoạt chuyên môn. Tôi chuẩn bị chu đáo để có thể “truyền lửa” tinh thần của bài giảng đến học sinh. Để áp dụng đúng phương pháp dạy học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tôi cũng như các giáo viên ở A Lưới luôn tự học, tự trau dồi để vận dụng trong dạy học, đồng thời hướng dẫn để học sinh chủ động học tập, phát huy kỹ năng tự học”.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, cô giáo Nguyễn Thị Huệ xung phong lên A Lưới dạy học. Gắn bó hơn 25 năm, cô Huệ chứng kiến bao nhiêu đổi thay của vùng đất khó này, đặc biệt là trong giáo dục. “Trước đây, học sinh đi học vất vả lắm, đường sá xa xôi, trời mưa lầy lội, phương tiện không có, điều kiện học tập thiếu thốn. Việc huy động học sinh đến trường rất khó khăn. Nhớ lại trước đây, tôi cứ mừng thầm trong bụng khi điều kiện học tập của học sinh nay tốt hơn nhiều, cơ sở vật chất trường lớp khang trang, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao”, cô Huệ nói.
Trường THCS Lê Lợi là một trong những điểm sáng của giáo dục ở A Lưới. Vài năm trở lại đây, năm nào trường cũng có học sinh đoạt giải cấp thành phố. Năm ngoái, trường có 1 học sinh đoạt giải Ba môn toán và năm nay là giải Nhì môn văn. Một học sinh của trường cũng thi đỗ vào chuyên Toán, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế trong năm học 2024 - 2025; 2 học sinh khác thi đỗ vào Trường THPT chuyên Khoa học Huế.
Cô giáo Lê Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cho hay: “Ngoài cơ sở vật chất trường lớp khang trang, nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học theo chương trình mới; phụ huynh cũng quan tâm điều kiện học tập của con em mình, mua sắm máy tính để các em tiếp cận với công nghệ thông tin. Với tất cả các bộ môn, Ban Giám hiệu khuyến khích giáo viên đưa ra các bài tập trình chiếu và học sinh tự phân nhóm làm. Điều này giúp học sinh thỏa thích khám phá, sáng tạo, tự làm bài tập, tự trình chiếu và rút ra kiến thức cho mình trong bài học. Các em rất hứng thú học tập”.
Cải thiện bức tranh giáo dục vùng khó
Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới Hồ Văn Khởi tâm đắc nhất là tỷ lệ huy động học sinh đến trường vượt kế hoạch. Đây vốn là vấn đề nan giải suốt nhiều năm qua của A Lưới. Sau nhiều nỗ lực của ngành giáo dục và các đoàn thể, chính quyền địa phương, tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở A Lưới đã đạt 100%, số học sinh bỏ học giữa chừng rất ít. A Lưới đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98%, trong đó có 30 thạc sĩ, thể hiện bước tiến rất lớn về chất lượng đội ngũ.
Về giáo dục mũi nhọn, trong năm học 2023 - 2024, học sinh A Lưới đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp thành phố, đoạt giải Ba sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp thành phố và giải Tư cấp quốc gia. Một học sinh đoạt giải Nhì cuộc thi viết thư UPU cấp thành phố. Trước đây, học sinh A Lưới thi học sinh giỏi cấp thành phố hiếm khi có giải hoặc chỉ đoạt giải Khuyến khích, thì nay đã đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba.
Ông Hồ Văn Khởi cho biết: “Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng khang trang với 32/44 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72%, tạo điều kiện cho học sinh học tập. Ở những xã vùng sâu, vùng xa, nhiều trường vẫn còn khó khăn nhưng nhìn tổng thể gần đây có sự chuyển biến rất lớn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Năm học qua, một thành tích đáng mừng của giáo dục A Lưới là có đến 6 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Trường mầm non A Ngo được nhận Cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng; có 3 giáo viên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen”.
Nhiều giải pháp được triển khai từ sự đầu tư về nguồn lực, quan tâm về chính sách đến những nỗ lực của thầy và trò ở A Lưới đã cải thiện được bức tranh giáo dục của vùng khó. Sở GD&ĐT tăng cường về cơ sở để nắm điều kiện tổ chức dạy học, hỗ trợ tư vấn thêm cho các giáo viên kinh nghiệm, đổi mới các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đội ngũ giáo viên được tăng cường bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. Sở GD&ĐT cũng đã tăng cường chuyên gia của Sở, lực lượng giáo viên giỏi ở các trường thuận lợi lên hỗ trợ chuyên môn cho A Lưới trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục ở vùng cao có bước tiến rõ rệt, thể hiện qua tỷ lệ bỏ học của học sinh giảm, tỷ lệ xóa mù chữ tăng lên; tỷ lệ tốt nghiệp THPT, học sinh vào đại học đều tăng. Phổ điểm cũng ở mức trung bình, được đánh giá cao trong điều kiện khó khăn của miền núi. Ông Nguyễn Tân nhấn mạnh: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hơn chất lượng giáo dục. Thầy cô cần kiên trì hơn trong việc bám trường, bám lớp; phối hợp với chính quyền địa phương, với phụ huynh theo dõi quá trình học tập của học sinh cũng như điều kiện hoàn cảnh của từng em để quan tâm, chăm lo tốt hơn cho các em. Từ đó, thay đổi được nhận thức, nâng cao chất lượng dạy và học ”.