Rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp bước đầu đi vào cuộc sống ở Thanh Hóa và Thái Nguyên đã cho thấy hiệu quả của quyết tâm cải cách hành chính. Chính quyền gần dân hơn và phục vụ nhân dân tận tình, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Làm hết việc chứ không phải là làm việc hết giờ
Theo Nghị quyết số 1686/NQ-UBTVQH15, ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Thanh Hóa có 166 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 147 xã và 19 phường và sau một thời gian vận hành thử nghiệm chính quyền 2 cấp, đến ngày 1/7, tỉnh Thanh Hóa có166 đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động.
Mặc dù là mới, vừa chạy vừa xếp hàng, thế nhưng sau một tuần đi vào hoạt động, chính quyền hai cấp tại tỉnh Thanh Hóa đã cho thấy đây thật sự là chính quyền gần dân, vì dân. Điều đó được minh chứng bởi sự hài lòng của người dân khi đến Trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, phường ở Thanh Hóa để làm thủ tục hành chính.
Xã Điền Quang sau sắp xếp đơn vị hành chính có diện tích 103,67km2, dân số 16.611 người. Điền Quang có 3 dân tộc anh em sinh sống, là người Mường, Thái, Kinh. Trong đó, người Mường chiếm hơn 80% dân số, kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận công nghệ số của người dân nơi đây còn khá bỡ ngỡ.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Quang, tỉnh Thanh Hóa.
7h30 phút sáng, anh Hà Minh Chiến và chị Hồ Thị Khổ đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Quang đăng ký kết hôn tại cửa Tư pháp - Hộ tịch. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Lục Thị Thu, cán bộ Trung tâm hành chính công, anh chị đã hoàn thành đăng ký thông tin cá nhân trên VNelD. Anh Hà Minh Chiến cho biết: “Tôi thấy đội ngũ cán bộ xã chủ động linh hoạt hơn trước và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm gần dân, sát dân hơn”.
Ông Bùi Xuân Thúy, phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Quang cho biết: Trung tâm trí 5 ô cửa thuộc các lĩnh vực, có 7 cán bộ, công chức làm việc. Từ khi vận hành chính quyền 2 cấp, mỗi ngày trung tâm giải quyết từ 15 đến 20 hồ sơ, trong đó lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch là chủ yếu bởi đặc thù ở địa phương lực lượng lao động xin đi làm công nhân ở các công ty, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh nhiều, cần xác nhận hồ sơ để đi xin việc. “Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công đều là người địa phương, đã làm các vị trí này tại các xã trước khi sáp nhập, am hiểu tập quán, người dân bản địa cho nên giải quyết nhanh và thấu tình đạt lý”, ông Thúy cho biết thêm.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Lư, tỉnh Thanh Hóa.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Điền Lư, đã gần 12h trưa nhưng khối lượng thủ tục hành chính cần giải quyết cho người dân vẫn còn khá nhiều, nên cán bộ, công chức tại đây đã hỗ trợ cho nhau để giải quyết dứt điểm cho dân trong buổi sáng. “Chúng tôi xác định giải quyết hết công việc chứ không phải là làm việc hết giờ”, chị Đỗ Thị Hằng, cán bộ trung tâm hành chính công xã Điền Lư.
Cán bộ gần dân, hiểu dân, phục vụ dân tốt hơn
Theo nghị quyết số 1683/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có 92 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 77 xã và 15 phường sau khi sắp xếp. Sau một tuần chính thức đi vào hoạt động chính quyền 2 cấp, với phương châm “gần dân, lấy người dân làm trung tâm phục vụ”, cán bộ trung tâm hành chính công tại các xã của tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện rõ nét cán bộ gần dân, hiểu dân và vì nhân dân phục vụ.
Ông Trần Văn Nghĩa ở tổ 8 phường Phan Đình Phùng, tỉnh Thái Nguyên cho biết, ông đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND phường Phan Đình Phùng. Tại bộ phận một cửa của phường ông thấy rõ sự thay đổi, các thủ tục được làm rất thoáng, nhanh. “Khi chuyển sang mô hình này, cán bộ thao tác nhanh, chính xác, đặc biệt tôi thấy chuyên môn của họ tốt nên yên tâm lắm, hướng dẫn tận tình, cẩn thận. Tôi thấy ai cũng hào hứng với mô hình chính quyền mới, được cải tổ mạnh và cán bộ tiếp dân rất lịch sự, tôi cảm thấy phấn khởi”, ông Nghĩa chia sẻ.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhiều người dân đến làm thủ tục, chủ yếu về đất đai. Họ cho biết, khi được phân cấp về xã thế này rất thuận lợi cho người dân. Trước kia phải đi vài chục km thì nay chỉ đi có 3km, lại được hướng dẫn làm thủ tục rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Từ chia sẻ, sau một tuần vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp có cả thuận lợi và thách thức.
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Từ chia sẻ, sau một tuần vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp có cả thuận lợi và thách thức. Một trong những thuận lợi chính là việc trao đổi thông tin hiệu quả thông qua hệ thống mạng và hệ thống công nghệ thông tin, chính quyền số, giúp cán bộ xã tiếp cận văn bản và chỉ đạo từ cấp trên một cách nhanh chóng. Một thuận lợi nữa là chính quyền xã được gần dân, trước kia muốn tiếp xúc người dân hoặc cử tri, cán bộ huyện phải đi hàng chục, thậm chí vài chục km, thì nay trụ sở chính quyền sát dân, mời là họ đến ngay được.
Tuy nhiên, xã Đại Từ cũng đối mặt với không ít khó khăn như: Do đặc thù địa lý, nhiều cán bộ phải di chuyển một khoảng cách khá xa từ nhà để đến nơi làm việc. Mặt khác, do hạn chế về cơ sở vật chất nên chính quyền địa phương phải chia các trụ sở làm việc thành nhiều địa điểm khác nhau.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phan Đình Phùng, tỉnh Thái Nguyên.
Để giải quyết vấn đề khoảng cách địa lý và mang lại sự thuận tiện tối đa cho người dân, Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Đại Từ đã được thành lập và hoạt động tại hai vị trí là trụ sở UBND xã Bình Thuận và tại trụ sở UBND xã Mỹ Yên cũ. Ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Đại Từ cho biết: “Việc thiết lập địa điểm thứ hai này đặc biệt quan trọng để phục vụ người dân từ khu vực xã Mỹ Yên cũ, nơi có khoảng cách đến trụ sở chính trước đây lên đến 12km. Nhờ có hai trụ sở, khoảng cách đi lại xa nhất của người dân đến trung tâm hành chính công chỉ còn khoảng 6km. Đây là nỗ lực đáng kể trong việc rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, cùng với các tuyến đường trên địa bàn xã cơ bản là thuận lợi”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động thông suốt của Đảng ủy và UBND, chính quyền đã bố trí các cơ quan tại các địa điểm khác nhau, tận dụng các trụ sở cũ của các xã sau sáp nhập nhằm tránh xuống cấp. Đồng thời, bố trí Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm việc tại trụ sở UBND xã Khôi Kỳ cũ. UBND và HĐND làm việc tại trụ sở UBND xã Bình Thuận cũ. Ban Chỉ huy Quân sự làm việc tại trụ sở UBND xã Lục Ba cũ.
Thực tế ở Thanh Hóa và Thái Nguyên cho thấy rõ cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc cải cách hành chính, giảm phiền hà, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Để giải quyết dứt điểm cho người dân đến làm thủ tục hành chính, chúng tôi xác định giải quyết hết công việc chứ không phải là hết giờ làm việc. Còn một người dân chưa xong chúng tôi cố gắng làm nốt, tránh người dân đi lại mất thời gian”. Chị Đỗ Thị Hằng, cán bộ trung tâm hành chính công xã Điền Lư.
Chính quyền xã Đại Từ đang nỗ lực không ngừng để khắc phục các thách thức, cam kết nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ công, hướng tới phục vụ nhân dân một cách tốt nhất”. Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Từ