Rút ngắn thủ tục để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ đều cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam. Ngoài ra, các bên đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn này như hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng vốn; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; bố trí đủ vốn đối ứng.

Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với các đối tác phát triển đã có những thảo luận về khó khăn, giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh: Baochinhphu.vn

Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với các đối tác phát triển đã có những thảo luận về khó khăn, giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh: Baochinhphu.vn

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 27-3 đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với các đối tác phát triển. Cuộc họp đã có những thảo luận về khó khăn, giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA cũng như định hướng hợp tác ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Theo TTXVN, các nhà tài trợ đều cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc ban hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA. Các bên cũng nhấn mạnh sự phù hợp giữa quy định của các nhà tài trợ với luật pháp của Việt Nam đối với các dự án ODA nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; cho ý kiến trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng, tránh việc trả vốn hoặc hủy vốn vay ODA. Ông cũng đề nghị các đối tác kịp thời trả lời những phản hồi từ phía Việt Nam; có giải pháp để hài hòa giữa tiêu chuẩn cho vay vốn và quy định của pháp luật Việt Nam; có những ưu tiên, ưu đãi tài trợ cho những hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam như biến đổi khí hậu, thiên tai…

TTXVN dẫn thông tin báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2021-2023, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam đã ký đạt khoảng 3,35 tỉ đô la Mỹ. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 656 dự án, trong đó có 47 dự án đầu tư, 215 dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Tổng số vốn nước ngoài cấp phát từ Trung ương giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua là 300.000 tỉ đồng, trong đó số vốn được phân bổ là 270.000 tỉ đồng, còn lại là vốn dự phòng chung. Năm 2024, tổng nguồn vốn nước ngoài thực hiện cho các dự án đầu tư công được Quốc hội quyết nghị cấp phát là 20.000 tỉ đồng; ước tỷ lệ giải ngân đến đầu tháng 3 đạt 1,42%.

Một số nguyên nhân làm cho việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt tiến độ như vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; khác biệt về chính sách, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án và tiến hành thủ tục không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn.

Nhiều dự án còn gặp vướng mắc trong lập và giao kế hoạch, về đấu thầu, giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng. Việc hạn chế về nguồn lực, năng lực của cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án hoặc khó khăn do điều kiện khách quan thay đổi như sáp nhập huyện, xã cũng là nguyên nhân làm cho quá trìn giải ngân vốn ODA chậm.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rut-ngan-thu-tuc-de-thuc-day-tien-do-giai-ngan-von-oda/