S.I.S tích cực tham gia phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là đơn vị y tế tiên phong tham gia chương trình hội thảo 'Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động' dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, được tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (quận Bình Thạnh, TPHCM).
Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy nhận thức cộng đồng, cập nhật kiến thức y khoa mới và tăng cường liên kết giữa đào tạo – điều trị – truyền thông sức khỏe.
Sự kiện có sự tham dự của TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo các Sở, Ban ngành của các tỉnh thành phía Nam; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh, tim mạch; đại diện các bệnh viện lớn tại TPHCM, các tỉnh thành phía Nam và hơn 1.000 khách tham dự.

TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế và TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tại hội thảo.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người rơi vào tình trạng tàn phế.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, tức trung bình mỗi ngày có hơn 500 trường hợp, trong đó có không ít là người trẻ tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Tại chương trình hội thảo, TS.BSCK2 Nguyễn Trí Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu: Hội thảo hôm nay là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau nhìn lại những kết quả đã đạt được, mở ra đối thoại chuyên sâu giữa lý thuyết và thực tế, giữa y tế trung ương và địa phương, giữa các chuyên gia đầu ngành và đội ngũ y tế cơ sở, nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới phát hiện, cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ trên cả nước.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, bệnh viện và tổ chức quốc tế để xây dựng các chính sách phù hợp, hỗ trợ đào tạo chuyên môn, đầu tư trang thiết bị, mở rộng mô hình trung tâm đột quỵ đạt chuẩn quốc tế… nhằm từng bước đưa lý thuyết vào hành động một cách thực chất và hiệu quả.
Phương pháp điều trị đột quỵ được đội ngũ y tế S.I.S cập nhật liên tục tiệm cận với thế giới
Tại Hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã có bài báo cáo với chủ đề" Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động các phương pháp điều trị đột quỵ chuẩn quốc tế mô hình tại S.I.S Cần Thơ".
Thông qua bài báo cáo, TS.BS Trần Chí Cường đã đưa ra những số liệu thực tế đang báo động mỗi ngày về tình hình đột quỵ ngày càng trẻ hóa và những tiến bộ trong điều trị đột quỵ tại Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ.
Với các công nghệ, phương pháp điều trị đột quỵ được đội ngũ y tế S.I.S cập nhật liên tục tiệm cận với Thế giới. Trong 6 năm hoạt động, đội ngũ nhân viên y tế của S.I.S luôn nỗ lực phục vụ hơn 1 triệu lượt khách đến tham khám, điều trị. Càng tự hào hơn với 10 lần liên tiếp S.I.S đạt tiêu chuẩn Kim Cương, đây là giải thưởng cao quý nhất do Tổ chức Đột quỵ thế giới WSO vinh danh về chất lượng điều trị đột quỵ.
Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ hiện là một trong những cơ sở y tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong điều trị đột quỵ với trang thiết bị hiện đại: robot can thiệp mạch vành đầu tiên ở Đông Nam Á ; Robot Corindus – PCI; Hệ thống MRI 3.0 Tesla – chẩn đoán hình ảnh cao cấp; Hệ thống định vị não 3D (Brainlab) hỗ trợ phẫu thuật thần kinh; Phẫu thuật Hybrid – kết hợp can thiệp và phẫu thuật; AI định vị không gian trong mổ thần kinh; chăm sóc sức khỏe thời kỳ 4.0 tại S.I.S Cần Thơ.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ báo cáo tại hội thảo.
Thêm một điểm sáng đó là lĩnh vực đào tạo can thiệp mạch tại S.I.S. Không những các bác sĩ chuyên ngành thần kinh trong nước mà đã có rất nhiều bác sĩ đến từ các nước Indonesia, Malaysia, Philippines,... tham gia khóa đào tạo can thiệp mạch và được cấp chứng chỉ từ cơ bản đến nâng cao. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp ích chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày một tốt hơn.
Vượt qua phạm vi trong nước, mô hình điều trị đột quỵ tại S.I.S được TS.BS Trần Chí Cường tham gia báo cáo tại các Hội nghị quốc tế trọng điểm như: Hội nghị Can thiệp Thần kinh thế giới lần thứ 17 diễn ra tại New York, Hội Can thiệp mạch Thần kinh Hàn Quốc (KONES), Hội nghị LINNIC ASIA 2024 diễn ra tại Thái Lan,... đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các chuyên gia đầu ngành trong khu vực Châu Á và thế giới.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" đã cập nhật toàn diện thực trạng bệnh lý đột quỵ tại Việt Nam, đồng thời định hướng xây dựng mạng lưới trung tâm đột quỵ hiệu quả, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu – điều trị – phục hồi.