TP HCM XÂY DỰNG SIÊU ĐÔ THỊ XANH (*): Thành quả ấn tượng

Trong tiến trình chuyển đổi xanh của TP HCM, giao thông, du lịch, sản xuất... là những lĩnh vực đã và đang đạt nhiều thành quả ấn tượng

Tuyến metro số 1 dài trên 19 km nối quận 1 và TP Thủ Đức mang đến tín hiệu tích cực chỉ sau gần 5 tháng vận hành.

Thay đổi thói quen

Metro số 1 không những rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo thay đổi lớn trong quy hoạch đô thị, thúc đẩy phát triển khu dân cư và trung tâm thương mại theo mô hình TOD (định hướng giao thông công cộng). Trong thay đổi thói quen di chuyển của người dân, tuyến đường sắt đô thị này chứng tỏ tầm ảnh hưởng lớn khi rất nhiều người chuyển từ sử dụng xe máy sang ngồi tàu.

Sản lượng hành khách đi metro liên tục tăng là minh chứng. Số liệu thống kê cho thấy tính từ ngày 1-1 đến 11-4, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 vận hành trên 21.970 lượt tàu, phục vụ 6,86 triệu lượt hành khách - tương ứng với đạt lần lượt 100,2% và 162% so với kế hoạch.

Bổ trợ cho metro, TP HCM đưa vào hoạt động 17 tuyến xe buýt điện, kết nối trực tiếp với 14 nhà ga. Những xe buýt điện thân thiện với môi trường, không khói bụi, không tiếng ồn đang dần trở thành hình ảnh quen thuộc trên nhiều tuyến đường phía Đông thành phố. Giới trẻ dần thay đổi thói quen, lựa chọn phương tiện sạch, hiện đại thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào xe chạy bằng xăng.

Song song với phương tiện, TP HCM còn phát triển hạ tầng thanh toán số. Mới đây, Sở Giao thông Công chánh phối hợp cùng đơn vị liên quan triển khai công nghệ thanh toán không tiền mặt open loop trên xe buýt, đồng thời ra mắt thẻ MultiPass - cho phép thanh toán liên thông giữa xe buýt và metro. Người dân chỉ cần một thẻ hoặc quét mã QR trên điện thoại để di chuyển, không cần dùng tiền mặt hay thẻ riêng lẻ.

Hệ thống metro ở TP HCM đang được mở rộng, đồng nghĩa với giao thông công cộng thêm “xanh”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hệ thống metro ở TP HCM đang được mở rộng, đồng nghĩa với giao thông công cộng thêm “xanh”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giao hòa cùng thiên nhiên

Trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, TP HCM tiên phong xây dựng mô hình du lịch xanh như một cam kết trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết ngành du lịch thành phố xác định 3 trụ cột chính trong phát triển du lịch xanh là xây dựng điểm đến xanh - sản phẩm xanh; hệ sinh thái chính sách khuyến khích du lịch xanh; liên kết truyền thông - giáo dục - cộng đồng. Đơn cử, mô hình du lịch xanh Thiềng Liềng - Cần Giờ là điển hình thành công về kết hợp bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, tôn vinh văn hóa cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển du lịch cộng đồng gắn với năng lượng tái tạo.

Mô hình trên đang được nghiên cứu nhân rộng tại huyện Củ Chi (du lịch nông nghiệp, tái thiết làng nghề), TP Thủ Đức (sinh thái ven sông - nghệ thuật đô thị) và các vùng sáp nhập như Bình Dương (vườn cây ăn trái, farmstay), Bà Rịa - Vũng Tàu (du lịch biển xanh, ít phát thải).

"Trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính, TP HCM có tiềm năng hình thành vành đai xanh du lịch từ Cần Giờ - Củ Chi - Bình Dương đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây sẽ là điểm nhấn khác biệt, hội tụ đủ rừng - biển - nông nghiệp - văn hóa - sáng tạo, tạo ra sản phẩm liên kết xanh bền vững có sức cạnh tranh quốc tế" - ông Hòa kỳ vọng.

Về phía doanh nghiệp, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều đơn vị đã xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch hướng tới yếu tố phát triển xanh, thân thiện, bền vững với môi trường. Trong đó, nhiều tour kết hợp đi bộ/xe đạp đến các khu du lịch sinh thái và vườn quốc gia; tour khám phá, trải nghiệm những điểm đến xanh ở Cần Giờ, Củ Chi, tour đi bộ khám phá TP HCM (city tour) hay gần nhất là những chương trình du lịch có điểm đến gắn với tuyến metro số 1...

Sở Du lịch TP HCM đang xây dựng đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh, như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ truyền thông, đánh giá bộ chỉ số du lịch xanh và huấn luyện nhân sự ngành. Chương trình "Mỗi doanh nghiệp - một điểm đến xanh" được triển khai đồng loạt với yêu cầu cam kết về năng lượng, rác thải, tương tác cộng đồng và văn hóa địa phương.

Du khách tham quan tại Củ Chi. Ảnh: LAM GIANG

Du khách tham quan tại Củ Chi. Ảnh: LAM GIANG

Lợi ích lâu dài

Chuyển đổi xanh trong sản xuất cũng là một trong những vấn đề TP HCM ưu tiên, khuyến khích và một trong nhiều đơn vị sớm đưa dây chuyền giảm thiểu tác động tới môi trường là Công ty CP Dược phẩm OPC.

Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này, cho hay trong nỗ lực vươn lên trở thành công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam, nhà máy OPC được xây dựng theo tiêu chuẩn GMP-WHO, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn trong sản xuất dược phẩm.

Hoạt động sản xuất tại đây ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định cũng như tuân thủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải. Nhà máy có khả năng sản xuất đa dạng dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Với doanh số hơn 1.000 tỉ đồng, 90% đến từ các sản phẩm dược liệu thiên nhiên, đây là thuận lợi cơ bản để hướng đến trở thành doanh nghiệp xanh, đóng góp bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, hiệu quả.

Cũng theo bà Hương, xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay là cơ hội quý báu của OPC. Công ty đặt mục tiêu 5 năm tới và 10 năm tiếp theo sẽ thúc đẩy hơn nữa sản xuất xanh, củng cố nền tảng vững chắc và thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Ở lĩnh vực dệt may, ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, cho biết ngay từ khi thành lập nhà máy vào 8 năm trước, Trung Quy đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ và theo đuổi chiến lược "xanh hóa". Theo ông Quy, nhuộm là một trong những khâu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất. Để giải quyết vấn đề, công ty đã đầu tư công nghệ nhuộm gió giúp tiết kiệm 60%-70% nước sử dụng và giảm hóa chất, từ đó giảm thiểu tác động lên nguồn nước và môi trường.

Nhờ hàng loạt bước đi chiến lược trong chuyển đổi xanh, công ty đạt nhiều chứng nhận quốc tế như GOTS, GRS... và thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Úc, châu Âu.

"Đầu tư xanh hóa sẽ mang lại lợi ích lâu dài và tăng khả năng cạnh tranh. Để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải vượt qua thách thức tài chính, đồng thời tìm kiếm các giải pháp phù hợp" - ông Trần Văn Quy khẳng định.

Một điểm nhấn nữa, TP HCM chọn huyện Cần Giờ làm nơi thí điểm chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Cần Giờ đang hướng tới trở thành địa phương xanh bằng việc hỗ trợ người dân đổi phương tiện, xây dựng hạ tầng trạm sạc và phát triển buýt điện mini phục vụ du lịch lẫn đi lại hằng ngày.

Tiên phong

Song song với tạo thêm chính sách giúp người dân thêm yêu hình thức di chuyển bằng phương tiện công cộng, mới đây UBND TP HCM ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho xe buýt điện lớn, đây là cơ sở để đưa ra đấu thầu các tuyến xe buýt sử dụng điện trong năm nay. Như vậy, cùng với nhiều chính sách ưu đãi về hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạch, chính sách thu hồi xe buýt cũ mà chính quyền đưa ra... thì tương lai không xa, hệ thống xe buýt TP HCM sẽ được xanh hóa.

Không riêng xe buýt, thành phố đang từng bước "nhuộm xanh" giao thông, hướng tới tương lai bền vững. Các chuyên gia đánh giá thành phố hoàn toàn có thể trở thành đô thị đầu tiên của Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái giao thông xanh hoàn chỉnh - nơi người dân đi metro, đón buýt điện, sạc xe ở công viên và hít thở bầu không khí trong lành hơn trên chính những con đường quen thuộc.

Xe buýt thân thiện môi trường ngày càng tăng tại TP HCM. Ảnh: THU HỒNG

____________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4.

NGỌC QUÝ - THU HỒNG - THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-xay-dung-sieu-do-thi-xanh-thanh-qua-an-tuong-196250425224414582.htm