Sabeco: Lợi nhuận quý I giảm, còn hàng nghìn tỷ lợi nhuận chưa phân phối
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Đây là kết quả kinh doanh thấp nhất trong I quý của doanh nghiệp kể từ đại dịch COVID.
Nghị định 168 và sự cạnh tranh gay gắt khiến lợi nhuận giảm 22%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, Sabeco ghi nhận doanh thu quý I đạt 5.810 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 800 tỷ đồng, giảm tới 22%. Đây là kết quả kinh doanh quý thấp nhất mà hãng bia này ghi nhận kể từ giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19.

Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết sự sụt giảm này là do cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường và đặc biệt là tác động tiêu cực từ Nghị định 168 (có hiệu lực từ đầu năm 2025, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bao gồm cả nồng độ cồn khi lái xe). Việc siết chặt quy định về nồng độ cồn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng tiêu thụ bia.
Bên cạnh đó, doanh thu thuần quý I còn bị ảnh hưởng bởi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bình Tây (SABIBECO). Kể từ ngày 3/1, SABIBECO được hợp nhất như một công ty con của Sabeco, thay vì là công ty liên kết như năm 2024. Việc này thay đổi cách tính thuế, làm giảm doanh thu ghi nhận trên báo cáo hợp nhất.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, thu nhập từ lãi tiền gửi của Sabeco cũng giảm nhẹ. Chi phí tài chính lại tăng lên do phát sinh liên quan đến thương vụ mua lại Sabibeco. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng. Đây cũng là những tác động khiến lợi nhuận của “ông lớn” ngành bia bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, Sabeco mua Sabibeco sẽ mang lại ba lợi ích lớn. Đầu tiên là công ty có thể gia tăng sản lượng về lon bia khi mà Sabibeco đang sở hữu năng lực sản xuất lớn. Khi sáp nhập, phần lớn sẽ tối ưu hóa sản lượng về lon để đáp ứng thị trường Việt Nam khi người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm lon bia khi mà Sabibeco sở hữu 6 nhà máy với vị trí chiến lược, năng lực sản xuất lon lớn.
Đồng thời, việc chuyển từ Công ty liên kết sang Công ty con giúp Sabeco cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, Sabibeco sở hữu nhiều thương hiệu bình dân vì vậy sẽ giúp đa dạng hóa các dòng sản phẩm của Sabeco.
Với kết quả quý I, Sabeco mới chỉ thực hiện được 13% kế hoạch doanh thu (44.800 tỷ đồng) và 16,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (4.840 tỷ đồng) đặt ra cho năm 2025.
Trước đó, cũng tại đại hội, ông Lester Tan, Tổng Giám đốc Sabeco vẫn thể hiện sự lạc quan của hãng về khả năng tăng trưởng, mô tả thị trường bia Việt Nam đầy hấp dẫn. “Hy vọng Sabeco đạt được kế hoạch đề ra và khi đã đạt kế hoạch đề ra, Công ty có cơ hội đề ra mức cổ tức hấp dẫn hơn nữa cho cổ đông trong năm 2025”, Ông Lester Tan nói.
Bên cạnh những tác động từ thị trường, trước quan tâm của cổ đông về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), ông Lester Tan cho biết doanh nghiệp đã liên tục đối thoại, chia sẻ quan điểm với các cơ quan quản lý việc việc ủng hộ mức mức thuế suất thấp hơn và giãn thời gian áp dụng để tránh tạo cú sốc với người tiêu dùng. Công ty cũng liên tục thực hiện đối thoại với Hiệp hội Bia và Nước giải khát về quan điểm của công ty về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tới người tiêu dùng.
“Thuế TTĐB là thuế gián thu, việc tăng thuế TTĐB, theo mục tiêu của Nhà nước, là nhằm điều chỉnh (hạn chế) tiêu dùng; do vậy khi Nhà nước có biện pháp hạn chế tiêu dùng thông qua tăng thuế thì sẽ tác động đến người tiêu dùng do giá tăng theo tương ứng.
Đối với chính sách bán hàng của doanh nghiệp, khi nhà nước tăng thuế chúng tôi cũng sẽ buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí tăng lên. Dĩ nhiên, Sabeco cũng sẽ chia sẻ mức tăng thuế với người tiêu dùng thông qua việc tiết giảm chi phí bằng cách chọn thời điểm mua các nguyên vật liệu đầu vào với phương án tối ưu về giá và tiết giảm các chi phí sản xuất khác”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Sabeco chỉ mới hồi phục sau đợt thị trường chao đảo vì chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I, cổ phiếu SAB liên tục giảm, kết phiên sáng 5/5 ở mức 47.400 đồng/cp, giảm 1,35% so với phiên trước.

Giá cổ phiếu SAB từ tháng 10/2024 đến nay. Ảnh: TradingView.
Còn gần 10.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Sabeco đạt 31.619 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm.
Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng còn 20.262 tỷ đồng, giảm 4%. Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I tăng 11% lên mức 2.216 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Sabeco ở mức hơn 6.000 tỷ đồng, giảm 33% so với đầu năm, chủ yếu nhờ giảm các khoản phải trả người bán và các khoản liên quan đến chi trả cổ tức. Tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn lại tăng gấp đôi, từ 245 tỷ đồng lên hơn 481 tỷ đồng, trong khi nợ vay dài hạn giữ ở mức hơn 169 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức hơn 25.606 tỷ đồng, trong đó, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 9.975 tỷ đồng.
Sabeco đã thông qua phương án nâng tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 lên 50% (tương đương số tiền chi trả cổ tức khoảng 6.400 tỷ đồng), thay vì 35% như đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Trong năm 2024, Sabeco đã có tạm ứng cổ tức 20% vào ngày 26/12 nên sẽ chi trả tiếp 30% trong thời gian tới. Ngày chốt danh sách cổ đông là 1/7/2025 và ngày chi trả dự kiến là 31/7/2025.
“Hy vọng SABECO đạt được kế hoạch đề ra và khi đã đạt kế hoạch đề ra, Công ty có cơ hội đề ra mức cổ tức hấp dẫn hơn nữa cho cổ đông trong năm 2025”, Ông Lester Tan, Tổng Giám đốc SABECO để ngỏ khả năng nâng cổ tức năm 2025 so với kế hoạch.
Trong báo cáo phân tích về Sabeco công bố cuối năm 2024, Chứng khoán VCBS dự báo đà giảm tiêu thụ có thể chững lại khi người tiêu dùng trở nên quen thuộc với chính sách mới, thu nhập của người dân bắt đầu manh nha hồi phục trở lại sau một thời gian dài thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về dài hạn, tiêu thụ cho đồ uống có cồn gặp khá nhiều yếu tố tác động tiêu cực. Các quy định nghiêm ngặt và tăng cường kiểm soát của Chính quyền về nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng tới sức khỏe cũng khiến tiêu thụ bia truyền thống giảm.
Trong bối cảnh đó, VCBS cho rằng công ty sẽ tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm mới, dễ uống và mới lạ, và đơn giá sản phẩm cũng cao hơn sản phẩm truyền thống. Đây cũng là một trong những bước đi khá phù hợp với xu hướng thị trường.
Theo chuyên gia, việc phát triển dòng sản phẩm mới dễ uống trong phân khúc trung cấp thay vì gia tăng chi tiêu quảng cáo và khuyến mại sẽ là bước đi hợp lý của SAB.
"Chúng tôi kỳ vọng SAB sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chi phí bán hàng/Doanh thu ở mức 11,5% - 12% cho 1-2 năm tới cho tới khi cần phát triển nhãn hàng mới", VCBS dự báo.