Sabeco (SAB) được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 sau khi đã thâu tóm thêm Sabibeco
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB – sàn HOSE) được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2025 với ước tính lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ có thể lên tới 4.793 tỷ đồng.

Đã hoàn tất thâu tóm và đưa người vào Sabibeco
Tiếp tục mở rộng công suất thông qua việc thâu tóm CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình tây (Sabibeco, mã SBB – sàn UPCoM), Sabeco đã tiến thêm bước nữa để tiếp quản và điều hành tại đơn vị thành viên.
Ngày 20/2/2025, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sabibeco, cổ đông Công ty đã miễn nhiệm ba thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Văn Thanh Liêm, ông Đinh Văn Thuận và ông Phạm Tấn Lợi. Ngược lại, bầu 3 ứng viên thay thế gồm ông Tan Teck Chuan Lester (Tổng giám đốc Sabeco), ông Lâm Du An (Phó tổng giám đốc Sabeco) và bà Phạm Thị Thanh Thủy vào Hội đồng quản trị.
Thực tế, động thái đưa người vào Sabibeco được Sabeco thực hiện sau khi từ ngày 3/10/2024 đến ngày 25/12/2024, Sabeco đã mua thêm 37.814.900 cổ phiếu Sabibeco để nâng sở hữu từ 16,42% lên 59,63% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất Sabibeco vào Sabeco.
Việc hợp nhất Sabibeco vào thời điểm cuối năm 2024 được dự báo sẽ giúp Sabeco gia tăng sản lượng, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Trong đó, Sabibeco được biết đến với nhãn hiệu bia Sagota, gồm nhiều sản phẩm bia hơi, bia lon, bia tươi, bia chai; sản phẩm gia công bia Saigon Special, Saigon Larger, Saigon 333 Export, Saigon Export; nước uống lúa mạch vị chanh và vị mâm xôi Malty.
Theo Công ty Chứng khoán FPTS, sau khi hoàn tất thương vụ M&A Sabibeco, tổng công suất của Sabeco sẽ nâng lên 3,01 tỷ lít bia/năm ngay trong năm 2024, tăng 25,4% so với công suất hiện tại và trở thành doanh nghiệp bia có quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam.
Với việc đã nâng công suất trong năm 2024, đồng thời khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngành bia SABECO (SRC) vào cuối tháng 11/2024, Sabeco được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới nhờ tăng cường năng lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm bia đẳng cấp thế giới cho người tiêu dùng để qua đó mở rộng dấu ấn thương hiệu ra thị trường quốc tế.
Thực tế, các đơn vị phân tích cũng đang có góc nhìn khá tích cực về triển vọng của Sabeco trong thời gian tới.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, trong năm 2025, tình hình kinh doanh của Sabeco tiếp tục khởi sắc khi doanh thu dự kiến tăng 7% lên 34.114 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng thêm 10,7%, lên 4.793 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng dự báo đến từ sản lượng bia tăng 5-6% khi giá bán bình quân tăng khoảng 2%; biên lợi nhuận gộp mảng bia mở rộng nhờ giá lúa mạch giảm và phân bổ sản lượng cho CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình tây (Sabibeco, mã SBB – sàn UPCoM); và tiếp tục kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo Sabeco sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2025-2026. Trong đó, năm 2025, ước tính Sabeco sẽ ghi nhận doanh thu tăng 6,1% lên 33.807 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 6,7% lên 4.795 tỷ đồng; và năm 2026, ước tính Sabeco sẽ ghi nhận doanh thu tăng 7,9% lên 36.482 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 11,8%, lên 5.362 tỷ đồng.
Lý giải dự phóng tăng trưởng trong thời gian tới tại Sabeco, Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo doanh thu mảng bia sẽ đạt 29.635 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6.64% so với cùng kỳ với kỳ vọng tiêu thụ nội địa sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn và kênh Modern trade (MT) tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng này sẽ phục hồi lên 33% nhờ sử dụng hết tồn kho đại mạch giá thành cao và quản lý chi phí tốt hơn (cải tiến để giảm chi phí sản xuất vỏ lon).
Sabeco đạt mức lãi 4.494,8 tỷ đồng trong năm 2024
Thực tế, từ cuối năm 2017 khi nhà nước thoái vốn tại Sabeco, sau đó Công ty trải qua 7 năm dưới sự điều hành của cổ đông mới. Trong đó, hơn 7 năm qua, Sabeco đã và đang đối mặt với vô vàn vấn đề mà từ trước tới nay chưa từng có như Đại dịch Covid-19 dẫn tới việc hàng loạt nhà hàng, quán ăn đóng cửa trong thời gian dài; Nghị định 100 về hạn chế bia - rượu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, sau đó đẩy mạnh triển khai việc xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn; và sau đó, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lĩnh vực bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn đã kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực lao dốc dẫn tới thu nhập của người dân suy giảm, đồng thời cũng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, hạn chế sử dụng rượu bia … và rất nhiều khó khăn khác tác động.
Trong giai đoạn vô vàn khó khăn nói trên, Sabeco đã thực hiện cải tổ chức mô hình doanh nghiệp nhà nước với nhiều khâu chưa tối ưu, làm mới các sản phẩm đã có tên tuổi với diện mạo và bao bì bắt mắt hơn, cho ra đời các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mới, tung ra các chương trình quảng cáo sáng tạo hướng tới lớp trẻ; đầu tư phát triển hệ thống năng lượng mặt trời tại các nhà máy bia giúp cung cấp thêm nguồn điện năng cho sản xuất …
Bằng những nỗ lực này, từ năm 2020 tới năm 2024, Sabeco đã liên tục duy trì biên lợi nhuận gộp từ 28,8% đến 30,4%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước thoái vốn nhà nước duy trì mức 25,9% (năm 2017).
Riêng trong năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu tăng thêm 4,6%, lên 31.872,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 5,6%, lên 4.494,8 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì ở mức 29,24%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2017.
Việc tiếp tục duy trì mô hình tạo tiền và thực hiện chia cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm cho cổ đông nhưng tại thời điểm cuối năm 2024, Sabeco vẫn đang còn sở hữu lên tới 21.043,7 tỷ đồng, chiếm 62,9% tổng tài sản và là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền mặt lớn như vậy.