Sắc màu cuộc sống: Trải nghiệm đi chợ Tết Trung Thu nơi xứ Hàn
Chợ truyền thống vẫn là mô hình rất phát triển ở Hàn Quốc và đặc biệt người Hàn Quốc cũng rất ưa chuộng đến mua sắm ở các chợ truyền thống trong những dịp lễ tết.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá cả leo thang, Tết Trung thu năm nay, người dân Hàn dường như tìm đến các khu chợ truyền thống nhiều hơn, do giá cả thường rẻ hơn đáng kể so với siêu thị.
Kết quả khảo sát giá do Cơ quan xúc tiến thị trường doanh nghiệp nhỏ thực hiện đối với 27 mặt hàng thiết yếu được sử dụng trong nghi thức cúng tổ tiên dịp Tết Trung thu cho thấy, giá ở chợ truyền thống rẻ hơn gần 20% so với các siêu thị lớn. Các mặt hàng rau củ giá chỉ bằng hơn 60% so với bán tại các siêu thị. Giá thịt, hải sản và các sản phẩm chế biến ở chợ cũng thấp hơn từ 15-20%. Thêm vào đó, các cửa hàng cũng áp dụng phiếu quà tặng Onnuri cho một số mặt hàng và được giảm giá tới 30%.
Đến chợ trước ngày rằm Trung thu có thể nhìn thấy những quấy bánh songpyeon nhiều màu sắc, một loại bánh gạo nếp mà người Hàn Quốc nhất định phải có trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên. Ngày nay, khi nhịp sống hối hả nơi đô thị khiến người dân không còn thói quen và thời gian làm bánh tại nhà, các quầy bánh thường rất đắt khách trong dịp các dịp lễ tết. Hàng hóa được bày bán rất đa dạng và nhiều hơn do tiêu dùng tăng cao trong dịp các gia đình sum họp. Trung bình một mâm cỗ cúng của người Hàn năm nay có chi phí tối thiếu 280.000 won (khoảng 6 triệu đồng).
Tặng quà trong dịp Tết Trung thu cũng là nét văn hóa phổ biến ở Hàn Quốc. Nhân sâm, bánh gạo, hải sản sấy khô, thịt một nắng cũng là những set quà được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn.
Anh Park Won Seo - chủ cửa hàng sâm tươi tại chợ Kyungdong ở trung tâm Seoul, cho biết, nhân sâm là sản phẩm bổ dưỡng rất nổi tiếng của Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, khi nhiều loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan, nhân sâm đặc biệt có công dụng khi tăng cường kháng thể cho người dùng.
Đối với người Hàn Quốc, Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng nhất. Nhân sâm thường là món quà tặng ưa thích của người Hàn trong dip này. Năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, nên các cửa hàng chuẩn bị nhiều set quà với giá từ 50.000 đến 200.000 won để khách hàng có thể lựa chọn.
Bà Han Jung Ye - chủ cửa hàng bánh gạo truyền thống - cho biết, bánh bỏng gạo là sản phẩm rất đặc biệt của Hàn Quốc. Bánh được làm bằng gạo nếp, nổ bỏng rồi chiên giòn. Bánh được làm thủ công, nguyên liệu an toàn, nên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thế dùng được. Trong năm có 2 kỳ lễ mà người Hàn nhất định phải mua bánh này để cúng tổ tiên, đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.
Tết Trung thu năm nay, cửa hàng chuẩn bị các set quà có giá rất hợp lý từ 40.000 đến 70.000 won. Trong thời điểm giá cả leo thang, cửa hàng cũng linh hoạt đóng gói theo nhu cầu của khách hàng. Theo bà Han Jung Ye, cúng tổ tiên là tấm lòng của mỗi người nên tùy theo gia cảnh, cửa hàng sẽ sẵn sàng đóng gói với giá cả phù hợp theo nhu cầu của khách.
Năm nay, 60 chợ truyền thống trên toàn thành phố Seoul đã tham gia chương trình kích cầu giảm giá đối với các mặt hàng nông sản, hải sản, đồ chế biến sẵn... Những khu chợ truyền thống đủ điều kiện còn dành một làn đường xung quanh để cho khách đỗ xe mua hàng.
Các chợ truyền thống cũng tổ chức các sự kiện giới thiệu cách thức làm món ăn truyền thống cho người dân trải nghiệm. Đến chợ, ăn các món ăn truyền thống cũng là một trải nghiệm văn hóa khó quên đối với những ai có dịp đến các phiên chợ Tết của người Hàn Quốc.