Sắc màu Luang Prabang

Luang Prabang theo tiếng Lào là 'thành phố Phật vàng'. Tương truyền đức Phật đã đến thăm vùng đất này và nói rằng: Một ngày nào đó nơi đây sẽ trở nên giàu có và hùng mạnh. Ngày nay câu 'sấm truyền' đã trở thành hiện thực trên mảnh đất cổ kính, xinh đẹp và mến khách này.

Luang Prabang là cố đô hàng trăm năm tuổi của đất nước Triệu Voi nằm ở miền Trung nước Lào, cách Thủ đô Viêng Chăn hơn 400 km về phía Bắc, là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, được đánh giá là “hòn ngọc” của nước Lào, năm 1995 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hai con sông Nam Khan và sông mẹ Mê Kông cùng những dãy núi trập trùng mây phủ bao quanh TP đã biến nơi đây thành một thung lũng phì nhiêu, màu mỡ có tiềm năng về nông nghiệp.

 Một góc cố đô Luang Prabang.

Một góc cố đô Luang Prabang.

Luang Prabang có một nét riêng, nếu bạn đến nơi đây lần đầu sẽ cảm nhận TP này như đang sống chậm, từ đi lại, giao tiếp đến ăn uống đều thư thái, nhẹ nhàng không một ai vội vàng, tất tả. Ở đây, ngoài sắc màu hoàng gia còn là trung tâm Phật giáo của đất nước. TP có hàng ngàn ngôi chùa, tu viện Phật giáo. Tính trung bình, mỗi bản có một ngôi chùa. Bà con coi chùa như nhà mình. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, hiện TP đang giữ gìn và bảo tồn rất nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật, trong đó có khoảng 40 ngôi chùa cổ được xây dựng từ nhiều triều đại khác nhau, nằm rải rác ở hai bờ sông Mê Kông. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc đặc sắc có tính nghệ thuật cao.

Vào một ngày đẹp trời, dạo quanh một vòng phố cổ, ta sẽ cảm nhận được những sự khác biệt. Hàng trăm ngôi nhà cổ bằng gỗ được thiết kế theo phong cách riêng rất hoàn mỹ. Những ngôi nhà này được sắp xếp trật tự bám theo những dãy phố nhỏ; đan xen là các vườn cây xanh mát, những hàng ngọc lan tỏa hương thơm ngát. Khi vào phố rất dễ bắt gặp các cụ già cầm kéo chăm tỉa cây cảnh hay vạt hoa xinh xắn trước cửa nhà, tạo nên vẻ tĩnh mịch và thanh bình. Nếu không vội ta có thể gọi ly trà, cà phê Lào… trò chuyện và đàm đạo cùng bạn hữu, hóng gió từ sông Mê Kông thổi vào thì không gì thú vị hơn.

 Những cô gái Lào hiếu khách.

Những cô gái Lào hiếu khách.

Được biết không gian bảo tồn của khu phố cổ chỉ có 5 phố chính với diện tích khoảng 25 ha và được chính quyền TP rất quyết liệt giữ gìn, bảo vệ. Từ nhiều năm nay đã có quy định cấm tất cả các xe ô tô trên 16 chỗ vào TP nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giảm khí thải và an toàn cho người dân. Và vì thế, các xe tải trọng lớn, xe du lịch trên 16 chỗ phải đỗ ngoài thành phố. Việc di chuyển còn lại do các đội xe 16 chỗ của địa phương đảm nhận.

Luang Prabang còn nổi tiếng với lễ hội khất thực (còn gọi là Tak Bat) là nghi lễ truyền thống tôn nghiêm, lâu đời có từ thế kỷ 14. Buổi lễ bắt đầu từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút hằng ngày. Dân địa phương gọi là “bình minh khất thực”. Người tham gia phải dậy sớm chuẩn bị đồ “cúng dường” để tặng nhà sư như: Xôi nếp, các loại bánh, kẹo… Những nhà sư đi khất thực trong sắc màu cam đậm sẽ tỏa ra khắp các nẻo đường của Luang Prabang. Họ lặng lẽ bước đi trên những đôi chân trần trong sự tĩnh lặng, yên bình của sớm mai. Khi ánh bình minh ló rạng ở rặng núi xa xa cũng là lúc mọi người dần giải tán, bóng cà sa cũng khuất dần, khi đó lễ khất thực kết thúc. Các nhà sư sau đó dành một phần đủ dùng cho mình trong ngày. Phần còn lại sẽ tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nét đẹp nhân văn của người Lào, cho đi cũng là nhận lại. Tất cả mọi người, nhất là trẻ em được khuyến khích tham gia nghi thức này để sớm hình thành sự cảm thông chia sẻ, lòng khoan dung, nhân từ và tình yêu thương nhân loại, gạt bỏ tham sân si và những toan tính trong mỗi con người.

 Thác Kuang Si.

Thác Kuang Si.

Những ngày ở Luang Prabang, chúng tôi đã đi thăm Bảo tàng cung điện hoàng gia, xây dựng năm 1904. Nơi đây lưu giữ hàng nghìn cổ vật quốc gia qua các thời kỳ, đem lại cho mỗi người cảm nhận về lịch sử, văn hóa Lào “vang bóng một thời”. Tại bảo tàng còn trưng bày nhiều kỷ vật quý giá thể hiện tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, đặc biệt là bức trướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 1963 cũng được trưng bày ở đây.

Anh Bun Mi, hướng dẫn viên du lịch của Lào, là người từng học đại học ở Hà Nội nói với chúng tôi: “Đi du lịch ở Lào không bao giờ được vội, nhất là khi đến với Luang Prabang. Cứ đi rồi khác đến, mỗi điểm đến ở Luang Prabang là một sự khám phá, trải nghiệm mới". Nếu cần tĩnh lặng và hưởng bầu không khí trong lành thì leo núi Phou Si cao 150 m ngắm toàn cảnh TP với hai con sông Mê Kông và Nam Khan hòa quyện vào nhau như dải lụa mềm uốn lượn dưới chân. Những nếp nhà cũ mới đan xen, mái ngói nhấp nhô bên những vườn cây xanh mướt. Còn muốn ồn ã hơn thì vào rừng ngắm thác Kuang Si, cách TP 37 km. Đây là một trong những thác nước vào loại đẹp của thế giới, có nhiều tầng với chiều rộng tới 50 m được bao bọc bởi núi rừng.

Ở Luang Prabang, đi tàu ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông cũng là một trải nghiệm khó quên. Đây là một tour riêng biệt không mấy ai bỏ qua. Cuối chiều, khi hoàng hôn trên sông buông xuống, bầu trời từ màu vàng dần chuyển sang sắc tím đỏ ngăn ngắt. Lúc này TP đã lên đèn, mặt sông Mê Kông lấp lánh như sao sa, cả chục chiếc tàu lần lượt rúc còi rời bến. Trên chiếc tàu của chúng tôi âm nhạc bắt đầu nổi lên. Các cô gái Lào uyển chuyển duyên dáng trong điệu múa Lăm vông chào khách, những bàn tay khéo mềm như lạt, như cởi buộc lòng du khách, làm xao động cả khoang tàu. Cứ hát, cứ giao lưu như thế cho đến khi chia tay vẫn chẳng muốn rời.

Sau mấy ngày ở cố đô, con tàu cao tốc của Lào đã đưa chúng tôi trở lại Viêng Chăn, cả đoàn tàu hơn 500 ghế hầu như không còn chỗ trống. Người hướng dẫn viên du lịch của đoàn nói “Khách đến Luang Prabang ngày càng đông là do chính quyền TP đã đầu tư nhiều hơn cho du lịch như: Cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao thông, ăn nghỉ và an ninh cho du khách…”. Cùng đó, TP cũng tạo nhiều “sân chơi” cho du lịch, tổ chức những tour tuyến mới. Chỉ tính trong năm 2024 ở đây đã tổ chức gần 40 hoạt động văn hóa, du lịch như lễ hội hoa đăng, lễ hội ẩm thực, triển lãm thủ công mỹ nghệ… Vì thế trong năm 2024 ước có 1,7 triệu du khách đến thăm (trong đó có 1,2 triệu khách quốc tế), gấp hơn hai lần số dân của TP. Gần đây, tạp chí du lịch CN Travellen của Mỹ đã xếp TP di sản thế giới Luang Prabang là một trong 50 điểm du lịch tốt nhất thế giới.

Với những sắc màu văn hóa khác biệt, Luang Prabang luôn là điểm đến được du khách lựa chọn. TP di sản luôn mở lòng chào đón mọi người bằng tất cả sự hiếu khách và những gì mình có. Luang Prabang là thế, luôn đáng nhớ và mê hoặc với bất cứ ai bởi những giá trị văn hóa trường tồn của một vùng đất đầy ắp những sắc màu văn hóa…

Thế Dũng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/sac-mau-luang-prabang-postid411603.bbg