Sắc màu nghệ thuật trong Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định

Kể từ khi xuất bản cuốn Tuyển tập

Kể từ khi xuất bản cuốn Tuyển tập “Mỹ thuật và nhiếp ảnh Nam Định thế kỷ XX” do Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định chủ biên, đến nay, lĩnh vực Mỹ thuật Nam Định mới tập hợp được khá đầy đủ các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của các họa sĩ quê Nam Định, các họa sĩ đã từng công tác, sinh sống gắn bó, nặng tình với Nam Định trong Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định phát hành tháng 10-2021, góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt nghệ thuật của tỉnh ta.

Bìa Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định tập 1.

Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định tập 1 là dự án xã hội hóa do chương trình hành trình nghệ thuật KVH Arts Journey tài trợ thực hiện và sự hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yêu nghệ thuật trên toàn quốc. Ngay sau khi phát hành Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định được giới thiệu, quảng bá rộng khắp tới các nhà sưu tập, các phòng trưng bày, các tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục nghệ thuật, giới phê bình nghiên cứu mỹ thuật và đông đảo công chúng yêu hội họa; đồng thời, tổ chức trưng bày online trên website: kvh.net.vn nhằm giúp các tác giả, tác phẩm có cơ hội lan tỏa rộng rãi, lâu dài hơn tới công chúng trong và ngoài nước. Vựng tập giới thiệu 132 tác phẩm của 38 họa sĩ thuộc 3 thế hệ cao, trung và trẻ tuổi đã và đang công tác tại tỉnh qua nhiều thời kỳ. Trong đó, nhiều họa sĩ sinh ra, lớn lên tại tỉnh như Trần Trung Kỳ, Phan Thăng, Bùi Ngọc Tư, Nguyễn Văn Đức, Vũ Xuân Dương; cũng có những họa sĩ quê ở tỉnh khác nhưng trưởng thành, lập nghiệp, trở thành những họa sĩ có vị trí trong nền hội họa Nam Định như: Lê Biết, Phạm Quyền, Lê Minh Châu, Dương Đức Điện, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Công Hiệp; và cả những họa sĩ quê ở Nam Định nhưng sinh sống lập nghiệp ở nơi khác vẫn luôn đau đáu với đề tài về quê hương như: Nguyễn Trọng Tường, Vũ Dũng... Đề tài các tác phẩm trong Vựng tập đa dạng phản ảnh khá toàn diện cuộc sống của đất và người tỉnh thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt của ngư dân vùng biển, góc phố Thành Nam cổ kính, hội làng, bến đò, chợ quê, những màn biểu diễn hầu đồng, hát văn... Điểm nổi bật của các tác phẩm trong Vựng tập rất đa dạng thể loại như hội họa, đồ họa, điêu khắc, ứng dụng… được thể hiện với bút pháp, chất liệu khác nhau đã làm nên sự sáng tạo, tìm tòi và khẳng định chất lượng nghệ thuật của các tác giả trong ngôn ngữ tạo hình. Công chúng yêu hội họa sẽ được trải nghiệm khung cảnh vui tươi, rộn ràng với sắc vàng, đỏ son của kinh đô thứ 2 triều Trần qua tác phẩm Lễ hội đền Trần của Trần Văn Trọng; ánh sáng sống động qua tác phẩm Nắng sớm của Bùi Anh Tuấn; cảm nhận sự sóng sánh phản chiếu lạ lùng trong các tác phẩm: Bên sông, Góc nhìn, Sự va đập của Đỗ Tất Tiệp; hít thở mặn mòi gió biển trong các tác phẩm lụa Hướng biển, Rảo bước, Nghỉ của Trần Văn Thăng; gặp lại những gương mặt đầy tự sự trong các tác phẩm Cửa sổ, Dải Thiên hà, Tha nhân của Trần Trung Kỳ; bắt gặp hòa sắc tím đỏ phù sa hòa vào biển trong tác phẩm Xóm chài Hải Lý của Trần Hậu; những hoài niệm lãng mạn, đầy nhựa sống qua hình thể chắc tay trong các tác phẩm: Kỷ niệm xưa, Mùa xuân của Vũ Dũng; một không gian rộn ràng náo nhiệt không khí lao động người dân miền biển qua các tác phẩm: Ra khơi bám biển, Chợ ven biển của Lương Văn Phương; rồi lại lắng đọng với ánh mặt trời man mác nơi tháp chuông nhà thờ đổ trong tác phẩm Xóm chài của Doãn Ngọc Báu cảm tác... Nhiều tác phẩm trong Vựng tập đã được tham dự tại triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh… Họa sĩ Trần Văn Thăng, Trưởng bộ môn Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Tôi và các họa sĩ Bộ môn Mỹ thuật Nam Định ghi nhận, cảm ơn sự tâm huyết, trách nhiệm của họa sĩ Lê Đức Biết, Ủy viên Ban kiểm tra Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam trong quá trình sưu tầm tư liệu, vận động họa sĩ tham gia và mời gọi các đơn vị hỗ trợ hoàn thành ấn phẩm. Nhờ đó mỹ thuật Nam Định có cơ hội được quảng bá rộng rãi đến công chúng, người yêu hội họa trong và ngoài nước”.

Lễ hội Đền Trần - Tranh bột màu của Trần Văn Trọng.

Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định tập 1 đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giao lưu với các tác giả, tác phẩm mỹ thuật Nam Định của nhà sưu tập, giới chuyên môn nghiên cứu, doanh nghiệp quan tâm phát triển kinh tế - xã hội quê hương Nam Định... trên cả nước và quốc tế. Hiện nay chương trình hành trình nghệ thuật KVH Arts Journey đang tiếp tục mời các họa sĩ gắn bó với Nam Định hợp tác xuất bản Vựng tập Nghệ thuật Thị giác Nam Định tập 2 để giới thiệu đông đủ hơn tác giả, tác phẩm mỹ thuật đương đại Nam Định nhằm kết nối Mỹ thuật Nam Định với công chúng yêu mỹ thuật trong tỉnh cũng như toàn quốc và quốc tế./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202201/sac-mau-nghe-thuat-trong-vung-tap-nghe-thuat-thi-giac-nam-dinh-2548778/