'Sắc màu thổ cẩm' tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc sẽ được giới thiệu cùng với nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 'Sắc màu thổ cẩm' (từ ngày 1 – 31/7).
Về sự kiện này, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, những nghề truyền thống là tri thức bản địa cùng với kỹ năng sống của đồng bào. Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của mỗi dân tộc... Bảo tồn nghề truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào.
Hiện nay, đồng bào các dân tộc tại làng vẫn giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Cùng với sự khéo léo chăm chỉ của các nghệ nhân, đồng bào đã tạo nên những sắc màu riêng và không gian trải nghiệm cho du khách. Đây cũng là môi trường để các nhóm đồng bào dân tộc bảo tồn nghề truyền thống, bảo tồn tri thức bản địa. Dân tộc Thái, dân tộc Mường có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Dân tộc Mông với nghề se lanh dệt vải. Dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dân tộc Ba Na, Ê Đê có nghề dệt theo truyền thống Tây Nguyên. Người Khmer ở Nam Bộ có nghề thêu truyền thống.
Chuỗi sự kiện chủ đề “Sắc màu thổ cẩm” gồm nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho thanh thiếu nhi, đề cao vai trò của các chủ thể văn hóa trong các cộng đồng dân tộc và trách nhiệm cộng đồng, giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tham gia chuỗi hoạt động có gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer), 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng).