Sắc màu văn hóa giữa núi rừng Tây Bắc
Một tỉnh vùng núi Tây Bắc hội tụ những sắc màu văn hóa rất đặc trưng của 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ thể hiện qua trang phục, tiếng nói, kiến trúc, phong tục tập quán, tri thức dân gian đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ. Chúng ta cùng đến với Lai Châu - nơi hội tụ sắc màu văn hóa giữa núi rừng Tây Bắc.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng gần 20km, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) được du khách đánh giá là miền sơn cước thơ mộng và hữu tình. Tại đây, các giá trị văn hóa của đồng bào Lự vẫn được giữ gìn như một bảo tàng sống.
Một trong những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc Lự là trang phục được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Hầu hết các gia đình người Lự đều có khung dệt vải và các công cụ se sợi, quay sợi dệt vải. Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình.
Bà Lò Thị Khăn - Dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu: "trẻ em đến 15-18 tuổi phải học làm trang phục theo bố mẹ, lấy chồng phải biết để gìn giữ, bình thường k mặc nhưng đám cưới, lễ tết phải giữ, bảo tồn còn thu hút du khách".
Bà Tao Thị Ín - Xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu: "cứ đến dịp lễ tết thì chúng tôi lại chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất để mặc, hàng ngày khi không phải đi làm ruộng nương thì chúng tôi tranh thủ dệt vải để chuẩn bị cho việc may quần áo cho bản thân và các thành viên trong gia đình, tôi cũng truyền lại nghề dệt cho con tôi, và dậy cách để làm trang phục truyền thống của mình, để có một bộ trang phục truyền thống thì mất rất nhiều công đoạn mới làm ra được 1 bộ, giá của một bộ dao động từ 3-5 triệu đồng tùy theo chất liệu".
Anh Nguyễn Hồng Nguyên - Hướng dẫn viên Du lịch: "Tôi đã đến nh bản du lịch cộng đồng rồi nh bản Lự mang tên bản Thẳm này rất là ấn tượng bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ và nhất là sự thân thiện của người dân. Một điều nữa ấn tượng là có rất nh những góc check-in đẹp vì tôi thấy mỗi mùa lạ là 1 loài hoa".
Đi khắp trời Tây Bắc, du khách có thể bắt gặp hàng nghìn chiếc cọn nước bên suối, nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là những chiếc cọn nước tại bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Cánh đồng bản Nà Khương nằm cao hơn dòng suối Nậm Mu nên người Thái ở đây đã làm 35 guồng nước (cọn nước) để lấy nước từ dưới suối lên phục vụ tưới tiêu. Những cọn nước tự nhiên này trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Du khách Hà Nội: "Phong cảnh rất hữu tình, rất thư thái, xung quanh có các chị phụ nữ dân tộc bán đặc sản địa phương. Quả thực để có 1 quần thể như thế này, bên suối, có những lán và bản làng thì đây thực sự là cái điểm đến tạo nên khách du lịch sự lý thú và mới lạ, rất nông thôn và dân dã".
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu: "Bảo tồn và phát huy giá trị các dân tộc gắn với phát triển nông thôn mới, trong đó chú trọng việc bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống, cùng với đó là có các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng du lịch và đặc biệt là giới thiệu tiềm năng du lịch ở Lai Châu gắn với thế mạnh".
Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn, Lai Châu đã và đang tập trung nguồn lực, thúc đẩy phát triển du lịch, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sac-mau-van-hoa-giua-nui-rung-tay-bac-216059.htm