Sách giáo khoa đắt đỏ, tiền vào túi ai?
Theo các chuyên gia, phí phát hành hay gọi là tiền 'hoa hồng' bán sách giáo khoa (SGK) 29%, sách bài tập lên đến 35% là con số rất lớn. Không kiểm soát chặt chẽ, các nhà xuất bản tìm mọi cách bán được nhiều sách và không ai khác, chính phụ huynh, học sinh sẽ phải chịu thiệt khi mua sách 'cõng' giá 'hoa hồng'.
Bộ GD&ĐT quản lý toàn diện SGK
Kể từ khi thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, cứ đầu năm học lại xảy ra tình trạng khan hiếm sách. Phụ huynh chạy đôn chạy đáo đi 5-7 nhà sách may ra mới tìm mua được bộ sách cho con. Sở dĩ, có tình trạng đó là do các đơn vị phát hành chờ các nhà trường đăng ký số lượng đầu sách học sinh mua mới in ấn, tránh tình trạng in thừa, tối đa hóa lợi nhuận. Phát hành sách qua kênh nhà trường, bán kèm sách bài tập, sách tham khảo là phương thức được các đơn vị lựa chọn. Khi đó, phụ huynh lỡ không đăng ký mua sách ở trường sẽ rơi vào tình cảnh khổ sở đi tìm sách.
Trong văn bản của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký ngày 4/8/2023 đã đề cập đến vấn đề chính sách xã hội hóa biên soạn SGK. Trong đó, khẳng định, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý toàn diện về SGK từ khâu tổ chức xã hội hóa biên soạn sách, đến thẩm định, phê duyệt nội dung, phê duyệt nhà xuất bản được phép xuất bản, hướng dẫn lựa chọn, sử dụng sách trong giảng dạy tại các nhà trường cũng như thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản SGK mới.
Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, hiện toàn quốc có 7 NXB có đủ điều kiện tham gia biên soạn sách. Trên cơ sở phê duyệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các SGK GDPT, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp nhận kê khai giá sách của các đơn vị. Sau nhiều lần có văn bản đề nghị các đơn vị có giải pháp tiết kiệm chi phí như: chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá SGK so với lần kê khai trước đó.
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy Ban thường vụ Quốc hội nêu: "Nghịch lý" là mặc dù có nhiều NXB tham gia làm SGK và đã có nhiều bộ sách nhưng giá không giảm mà thực tế đang tăng gấp 2-4 lần so với sách chương trình giáo dục phổ thông 2006. SGK là mặt hàng thiết yếu, thiết kế mẫu mã ổn định trong nhiều năm. Số lượng xuất bản và tiêu thụ hằng năm lớn. Tuy nhiên chi phí chiết khấu cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu khác. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Mặc dù Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh Luật giá, quy định SGK là hàng hóa do Nhà nước định giá giao Bộ GD&ĐT định giá tối đa SGK. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp hạ giá thành SGK", dự thảo nêu.
Chiếm lĩnh thị phần lớn, chiết khấu càng cao
Trong giải trình báo cáo cũng nêu lý do, một số SGK mới có giá cao hơn so với bộ SGK chương trình cũ là vì khổ sách to, số cuốn sách in ít hơn, in màu, chi phí nguyên nhiên vật liệu, nhân công, nhuận bút tác giả và cả phát sinh mới một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như chi phí quảng bá, giới thiệu sách…
Cụ thể, theo văn bản kê khai giá của NXB giáo dục Việt Nam với Bộ tài chính, mức chiết khấu phát hành cho SGK chương trình GDPT mới kê khai từ năm 2020 cụ thể: sách lớp 1, lớp 2, lớp 6 chiết khấu 23%; sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 chiết khấu 22,5%; sách lớp 4, lớp 8, lớp 11 chiết khấu 21%.
Trước thềm năm học mới 2022-2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thông báo về chính sách phát hành số 367 năm 2022 gửi các đơn vị đầu mối đã quy định chính sách chiết khấu bán SGK, sách bài tập, sách giáo viên và sách tiếng Anh rất cao.
Trong đó, đối với phí phát hành SGK chương trình GDPT mới, mức chiết khấu là 28,5% giá bìa; phí phát hành sách bài tập cao nhất lên tới 35% giá bìa; phí phát hành sách giáo viên 15% giá bìa.
Phí phát hành SGK chương trình GDPT mới, mức chiết khấu là 28,5% giá bìa; phí phát hành sách bài tập cao nhất lên tới 35% giá bìa; phí phát hành sách giáo viên 15% giá bìa. Ngoài ra, các đơn vị đầu mối được cộng thêm phần trăm nếu chiếm lĩnh được phần lớn thị phần.
Ngoài ra, đơn vị xuất bản còn có thêm khoản hỗ trợ các đơn vị đầu mối trong công tác triển khai thị trường SGK mới dựa trên kết quả lựa chọn sách để mua tại các địa phương. Đối với SGK mới, nếu kết quả lựa chọn tại địa phương chiếm từ 60-70% thị phần thì đơn vị đầu mối được cộng thêm 0,5% chiết khấu; kết quả lựa chọn SGK mới từ 70-80% đơn vị đầu mối được cộng thêm 1,0% tiền chiết khấu và con số này được nâng lên mức 2,0% nếu chiếm lĩnh được bằng hoặc hơn 90% thị phần.
Đặc biệt, đối với sách bài tập, ngoài chiết khấu tới 35%, đơn vị xuất bản còn cộng thêm 2,5% cho đầu mối phát hành được bằng hoặc hơn 80% thị phần theo cách tính bình quân các lớp.
Phụ huynh “gánh” phí hoa hồng
Năm học 2022-2023, toàn quốc có khoảng 17,5 triệu học sinh sử dụng trực tiếp mặt hàng hết sức đặc biệt này.
Phát biểu tại buổi góp ý thực hiện chương trình, SGK mới do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhấn mạnh giá SGK mới tăng cao đổ khó khăn lên phụ huynh. Chưa kể, trong trường học việc phát hành SGK kém tài liệu tham khảo, sách bài tập viết một lần rồi vứt đi gây lãng phí lớn cho xã hội.
“Nhà trường nói phải có sách tham khảo, phụ huynh đành bỏ tiền ra mua. Nhiều sách tham khảo quá, học sinh không thể đọc được hết”, bà Doan nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ cả về giá lẫn cách thức phát hành SGK vì đây là mặt hàng đặc biệt. Trong các năm qua, dư luận luôn có ý kiến về giá SGK mới cao gấp nhiều lần so với sách cũ.
"Tỉ lệ phần trăm chi phí phát hành hay còn gọi là tiền “hoa hồng” các NXB đưa ra là nhằm “câu” các đại lý bán được càng nhiều sách càng tốt trong khi chi phí đó sẽ đội vào giá sách. Cuối cùng NXB bán được càng nhiều sách lợi nhuận càng cao, thiệt hại đổ đầu người dân”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.
Ông phân tích, thực tế để phí chiết khấu bán sách lên cao trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị quản lý giáo dục. Dù là xã hội hóa nhưng cơ quan quản lý phải có những quy định xem họ làm thế nào, báo cáo ra sao để chấn chỉnh.
Trong khi, các năm học phụ huynh kêu các nhà trường bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo nhưng cuối cùng các loại sách đó không sử dụng đến thành mớ giấy lộn, lãng phí tiền của người dân rất lớn. Trước đây, sách tham khảo được quản lý chặt nên có rất ít, không tràn lan như hiện nay.
PGS Nhĩ cũng cho rằng, SGK là mặt hàng có thị trường tiêu thụ rộng lớn nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ giá thành cuốn sách sẽ bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhuận bút tác giả, chi phí in ấn và lợi nhuận tối thiểu ra mức giá. Hiện nay, việc quy định cho phép 63 tỉnh, TP thành lập hội đồng chọn sách thay vì giáo viên chọn cũng là cơ hội cho các đơn vị xuất bản “đi đêm” cạnh tranh không lành mạnh.
Nhà xuất bản lãi khủng: Báo cáo tài chính của NXB giáo dục Việt Nam về kết quả kinh doanh năm 2022 có sản lượng phát hành SGK là 206,6 triệu bản, đạt 122% kế hoạch đặt ra đưa về doanh thu 2.442,7 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sach-giao-khoa-dat-do-tien-vao-tui-ai-post1558447.tpo