Sách giáo khoa phải có người chịu trách nhiệm thì chất lượng mới nâng lên

Theo chuyên gia, sách giáo khoa phải có người chịu trách nhiệm thì chất lượng mới nâng lên. Vì vậy, việc đánh giá, tổng kết lại chương trình là cần thiết.

Thời gian qua, trước những bấp cập về nội dung, cung ứng tới giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước, theo đề nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất phương án trình Quốc hội về việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở chín khối lớp, gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Ba khối lớp còn lại gồm: 5, 9 và 12 tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Ý kiến trên cũng được nhiều người ủng hộ vì cho rằng sẽ giúp phụ huynh, học sinh và xã hội giảm áp lực kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước là cần thiết

Nhiều ý kiến cho rằng, biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước là cần thiết

Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa nhưng trong phát triển sự nghiệp giáo dục nguyên tắc là Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo. Vì giáo dục là quốc sách hàng đầu, là vấn đề là trọng đại của đất nước. Giáo dục phổ thông là giáo dục con người, là kiến thức nền tảng của các thế hệ. Bây giờ nói Nhà nước không nên làm, thậm chí không được biên soạn sách giáo khoa, chỉ có các tổ chức xã hội được biên soạn sách giáo khoa có phù hợp không?

Ông Vinh phân tích, Nhà nước rất khuyến khích chuyện tham gia, biên soạn ra những bộ sách tốt. Trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và một trong những nội dung rất cụ thể là việc phát triển sách giáo khoa là rất cần thiết.

“Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là phát triển sách giáo khoa, chứ không phải biên soạn. Nghị quyết 88 của Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách là để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước ở trong vấn đề này. Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục thực hiện việc này chứ không nói rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách thì những tổ chức, cá nhân khác không được làm?” - ông Vinh cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa và nghiên cứu phương án tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước là đúng đắn và nên thực hiện.

“Tuy nhiên, về khối lượng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại và lược bỏ những nội dung không cần thiết, nặng nề với học sinh để các em vừa học kiến thức cơ bản, vừa có thời gian để vui chơi, có thời gian tập luyện thể dục thể thao, trang bị kỹ năng sống. Như vậy, học sinh mới phát triển toàn diện trí lực” – bà An cho hay.

PGS Bùi Thị An cũng cho biết thêm, những bất cập về sách giáo khoa mới vừa gây lãng phí vừa không bảo đảm kiến thức cho học sinh. Sách giáo khoa phải có người chịu trách nhiệm thì chất lượng giáo dục mới nâng lên. Vì vậy, việc đánh giá, tổng kết lại chương trình là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có một bộ sách để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống khi cần thiết vẫn đảm bảo đến năm học mới có sách giáo khoa; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với biên soạn sách giáo khoa.

Bà Hoa phân tích, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cũng là một trong những điểm nhấn và thành công khi triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quá trình xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa với sự tham gia của lực lượng rất lớn các nhà khoa học, nhà giáo (hơn 1.500 người). Việc thành công trong xã hội hóa sách giáo khoa là đáng ghi nhận.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay trong báo cáo của Chính phủ đã nhận định sách giáo khoa chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng tôi hiểu và ra sức cố gắng để thực hiện tốt hơn” - ông Sơn bày tỏ và nhấn mạnh, trong biên soạn sách giáo khoa đã huy động đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách mới được xuất bản.

Về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, ông Sơn cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách trước năm học mới.

“Vấn đề được giao, chúng tôi sẽ nghiên cứu, cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có những đánh giá sâu, đề đạt phương án với Quốc hội” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sach-giao-khoa-phai-co-nguoi-chiu-trach-nhiem-thi-chat-luong-moi-nang-len-291872.html