Sách 'Hà Nội thời cận đại' hé lộ nhiều bất ngờ về Thủ đô thế kỷ 19-20
Cuốn sách là một nghiên cứu công phu, toàn diện về sự 'thay da đổi thịt' của Hà Nội khi trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thế kỷ 19-20.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội từng có một con phố mang tên Victor Hugo, tác giả của “Những người khốn khổ” và “Thằng cười”… chính là phố Hoàng Diệu ngày nay.
Đó là một trong những bất ngờ được hé lộ trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)" sẽ ra mắt độc giả ngày 29/9 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Tác giả Đào Thị Diến đã cả cuộc đời mình để viết và nghiên cứu về Hà Nội. Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bà có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này: Lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ. Các tài liệu này như những “nhân chứng sống” cho ta những bằng cứ chân thực, khách quan nhất.
Với sự kiện mở đầu là hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882 và kết thúc là sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội năm 1945 của chính quyền thực dân Pháp, cuốn sách được chia làm hai phần chính nhằm giúp độc giả dễ dàng theo dõi được mạch nội dung của sách.
Phần I gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.
Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu Nhượng địa thành một “thành phố Pháp” (ville française), một “Paris thu nhỏ” (petit Paris) của chính quyền thực dân. Về thực chất, quá trình biến đổi này diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, sau khi Hội đồng Thành phố Hà Nội được thành lập.
Để có một cái nhìn lớp lang và cụ thể, 35 bài viết này được chia làm 8 mục nhỏ: Khu nhượng địa; Địa giới và tổ chức hành chính thành phố; Giao thông; Phố và đặt tên phố; Văn hóa-Xã hội; Giáo dục; Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử; Xây dựng và mở rộng thành phố.
Ngoài 40 bài viết trên, cuối sách còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954.”
Theo tác giả Đào Thị Diến, vào năm 1902, sau gần 30 năm tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng Hà Nội, lần đầu tiên, chính quyền thuộc địa tiến hành đặt tên cho những con đường mới mở theo một quy chế xét duyệt nghiêm ngặt bởi một Hội đồng đặt tên phố. Một trong những tiêu chí để xét duyệt việc lựa chọn tên cho các đường ở Hà Nội của chính quyền thuộc địa là “lấy tên của các danh nhân văn hóa Pháp và Việt" để đặt tên cho các con phố ở Hà Nội và đường số 53 là đường đầu tiên của Hà Nội được mang tên nhà đại văn hào Pháp Victor Hugo.
Theo nghị định ngày 29/8/1902 của quyền Toàn quyền Đông Dương, văn hào Victor Hugo được chọn đặt tên cho đường số 53. Từ đó, đường số 53 được mang tên là đại lộ Victor Hugo.
Năm 1934, trong phiên họp ngày 26/1/1934, Hội đồng thành phố Hà Nội đã ra quyết nghị đổi tên đại lộ Victor Hugo thành đại lộ Pierre Pasquier.
Đến tháng 12/1945, theo danh sách đổi tên phố do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y, đại lộ Pierre Pasquier đã được đổi tên thành phố Hoàng Diệu. Và cuối cùng, vào năm 1951, theo nghị định ngày 28/2 của Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín, phố Hoàng Diệu lại được đổi thành đại lộ Hoàng Diệu, tức phố Hoàng Diệu ngày nay.
“Là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc thành Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản Thủ đô (1954), tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm. Xin được gửi gắm trong cuốn sách này tình yêu sâu đậm với Hà Nội tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như tôi,” tác giả chia sẻ.
Cuốn sách sẽ được giới thiệu trong buổi tọa đàm “Hà Nội thời cận đại qua hồ sơ lưu trữ” diễn ra 9h30 ngày 29/9 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội./.
Tác giả Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975), sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội (1975-2008). Bà có bằng Thạc sỹ Lịch sử (năm 1999) và bằng Tiến sỹ Lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7 – Denis Diderot (Pháp).
Bà là tác giả và chủ biên của nhiều chuyên luận đã xuất bản về Hà Nội: “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954),” “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954.”
Bà cũng tham gia biên soạn các sách: “Từ điển đường phố Hà Nội” (2010); “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội” (2010); “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính” (2017) và “Địa danh hành chính Thăng Long-Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay)” (2019).