Sai lầm không ngờ khi uống thuốc làm giảm hiệu quả điều trị
Uống thuốc không đúng cách, thời gian dùng thuốc không đúng, kết hợp với chế độ ăn uống không hợp lý sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị không hiệu quả.
Uống thuốc không đúng giờ
Bất cứ khi nào bạn được kê đơn một loại thuốc mới, cần phải trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về cách thức và thời điểm dùng thuốc như thuốc được dùng trước, trong hay sau bữa ăn. Nhiều thuốc sẽ có hiệu quả khi uống lúc đói (trước bữa ăn), nhưng một số thuốc cần uống trong hoặc sau bữa ăn (nghĩa là phải có thức ăn mới hấp thu tốt). Uống trước bữa ăn là thuốc cần được uống khi bụng đói trước bữa ăn 1 giờ để dễ hấp thu. Uống sau bữa ăn là dùng thuốc ngay sau bữa ăn hoặc sau ăn 30 phút, để thức ăn giảm bớt sự kích thích của thuốc đối với đường tiêu hóa hoặc thúc đẩy sự hấp thu của thuốc tốt hơn qua đường tiêu hóa...
![Uống thuốc tưởng như đơn giản nhưng rất nhiều người lại mắc sai lầm gây nguy hiểm cho sức khỏe](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_106_51430087/ece284cdbe8357dd0e92.jpg)
Uống thuốc tưởng như đơn giản nhưng rất nhiều người lại mắc sai lầm gây nguy hiểm cho sức khỏe
Uống thuốc khi nằm
Khi uống thuốc ở tư thế nằm, thuốc sẽ dễ dàng bám vào thành thực quản. Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, thuốc còn gây kích ứng thực quản, gây ho hoặc viêm nhiễm cục bộ... nặng có thể làm tổn thương thành thực quản. Vì vậy, tốt nhất nên uống thuốc ở tư thế ngồi hoặc đứng.
Uống thuốc trực tiếp từ chai
Cách uống này dễ làm thuốc bị nhiễm khuẩn, nhanh biến chất, lại không thể kiểm soát chính xác liều lượng, dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị hoặc quá liều. Đối với thuốc dạng lỏng như sirô, hỗn dịch... một số người có thói quen uống thuốc trực tiếp từ miệng chai, điều này sẽ làm chất lỏng thuốc dễ bị nhiễm bẩn và đẩy nhanh quá trình hư hỏng. Mặt khác, lượng thuốc uống vào không thể được kiểm soát chính xác, sẽ không đạt được hiệu quả chữa bệnh hoặc dùng quá liều sẽ làm tăng tác dụng phụ.
Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc
Uống nhiều loại thuốc cùng một lúc, bạn sẽ khó tránh khỏi sự tương tác giữa các loại thuốc. Mặt khác, hành động này sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thu, phân bố, trao đổi giữa các thuốc và sự đào thải thuốc ra ngoài cơ thể, cũng như sự kết hợp giữa các loại thuốc với nhau có thể gây những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể. Nếu nghi ngờ một số loại thuốc đang dùng hoặc sắp dùng có thể có tương tác bất lợi, bạn phải chủ động hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ, đồng thời nhớ không được tự ý dừng hoặc thay đổi thuốc. Trong một số trường hợp, việc tự ý ngừng thuốc có thể dẫn đến các triệu chứng cai thuốc hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
Uống quá nhiều nước, nuốt thuốc khô
Uống quá nhiều nước sẽ làm loãng axit dạ dày, không có lợi cho việc hòa tan và hấp thu thuốc. Nói chung, uống thuốc với 1 cốc nước ấm là đủ. Đối với các chế phẩm đặc biệt như sirô, đặc biệt là sirô ho, thuốc cần phủ lên bề mặt niêm mạc họng bị viêm để tạo thành lớp màng bảo vệ nhằm giảm phản ứng viêm niêm mạc, ức chế kích ứng, giảm ho, do đó không nên uống nước trong vòng 5 phút sau khi uống sirô. Một số người không dùng nước mà nuốt thuốc luôn. Thuốc có thể làm tổn thương thực quản. Mặt khác do không có đủ nước để làm tan, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi ở trong cơ thể.
Vận động ngay sau khi uống thuốc
Cũng giống như sau khi ăn, bạn không nên tập thể dục ngay sau khi uống thuốc. Thông thường phải mất 30-60 phút để thuốc hòa tan, hấp thu qua đường tiêu hóa và phát huy tác dụng sau khi uống. Trong thời gian đó cần có đủ máu để tham gia tuần hoàn. Ngay lập tức vận động sẽ dẫn đến lượng máu cung cấp đến đường tiêu hóa và các cơ quan khác không đủ, hiệu quả hấp thu của thuốc sẽ giảm đi rất nhiều.
Uống thuốc với trà
Trà xanh có chứa một lượng lớn polyphenol là tannin. Ngoài polyphenol, trà còn chứa caffeine và theophylline, có thể kích thích trung tâm thần kinh. Đây là lý do tại sao uống trà có thể sảng khoái tinh thần... Các chất hòa tan trong trà có thành phần phức tạp, nên dù bạn dùng thuốc Đông y hay thuốc Tây y, những thành phần này có thể phản ứng hóa học với các hoạt chất của thuốc, phá hủy đặc tính của thuốc, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Những loại thuốc không nên dùng chung với trà: Thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn nhịp, chế phẩm enzyme sinh học; thuốc bổ Đông y… Vì vậy, khi dùng các loại thuốc trên không nên dùng chung với trà. Tốt nhất nên dùng nước đun sôi ấm để uống thuốc, vì nước đun sôi ấm sẽ không ảnh hưởng đến sự hấp thụ của các loại thuốc. Do thành phần phức tạp nên trà và các loại đồ uống khác như nước trái cây, sữa... đều không thích hợp để dùng làm "nước" để uống thuốc.
Nghiền, bẻ nhỏ thuốc
Sẽ nguy hiểm khi cho rằng có thể đập vụn hoặc bẻ nhỏ các viên thuốc lớn để khiến chúng dễ nuốt hơn hoặc khiến việc uống thuốc dễ dàng hơn bằng cách trộn với thức ăn. Hầu hết các viên thuốc đều có lớp vỏ bọc. Các lớp vỏ này lại cần thiết cho dược chất phát huy đúng tác dụng. Phần lớn các dạng thuốc viên nén, nhộng, nang mềm... đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, nhai nhỏ, bỏ vỏ nhộng, bẻ vụn chia thành nhiều liều... Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể. Nếu bạn nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tự thêm bớt liều lượng thuốc
Không ít người vẫn cho rằng, càng uống nhiều thuốc thì sẽ càng nhanh khỏi bệnh. Lại có nhiều người thường uống thuốc theo kiểu bù trừ như quên uống thuốc hôm trước thì hôm sau uống 2 liều để bù. Đây là sai lầm tai hại bởi việc tùy tiện thay đổi liều dùng thuốc dễ bị ngộ độc thuốc. Hơn nữa việc dùng thuốc thất thường không đúng chỉ định sẽ giảm hiệu quả điều trị và không khỏi bệnh.