Sai sót chữ nghĩa và sự cầu thị

Sau phản ánh của dư luận, Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1, TP HCM) đã tiếp thu và sớm gỡ những bảng hiệu có chữ 'ga tàu thủy' tại bến Bạch Đằng, bến Thủ Thiêm và các điểm đón - trả khách khác.

Thay cho "ga tàu thủy" là "bến tàu".

Tập tính sử dụng tiếng Việt trong xã hội ta xưa nay chưa từng dùng từ "ga" gắn với phương tiện lưu thông thủy. Cho nên, không cần tra cứu tự điển cũng đã thấy viết "ga tàu thủy" rõ ràng là sai.

Sai thì sửa và sửa sớm như thế là rất tốt, bởi lẽ ngôn ngữ là hiện tượng xã hội đặc biệt, là công cụ để con người giao tiếp và diễn đạt tư duy. Nó luôn có sự biến hóa theo không gian địa lý, thời gian, sự phát triển của xã hội và trong quá trình biến hóa này thường có hiện tượng "lộng giả thành chân" - tức là những cái sai nếu được dùng hoài, sai lặp đi lặp lại, ngày càng được nhiều người sai theo, mà không có sự sửa sai khả tín nào thì nó sẽ được cho là đúng.

Trong tiếng Việt hiện nay tồn tại nhiều từ vựng rơi vào trường hợp kể trên, đa số là từ Hán - Việt, đến giờ đã phổ dụng gần như triệt để, khó lòng sửa được, như là: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ("Hợp chúng" mới đúng); thống kê ("kế" mới đúng); trụ sở ("trú" mới đúng), tốt nghiệp ("tất" mới đúng, "tất" mang nghĩa là đã xong, đã hết; ví dụ "tất niên": hết năm)… Hay như một trường hợp được sử dụng sai hà rầm trong văn nói, kể cả báo, đài và mạng xã hội, là từ "vấn nạn". Về từ loại, "vấn nạn": động từ, nghĩa đúng là "hỏi vặn", "hỏi xoáy"; nhưng lại đang bị dùng với tư cách danh từ, hàm ý một vấn đề nghiêm trọng, nhức nhối trong xã hội (như: vấn nạn bạo lực học đường, vấn nạn mãi lộ, vấn nạn tham nhũng…).

Thà không biết hoặc chưa biết, chứ biết rồi thì phải sửa cho đúng. Làm vậy không chỉ thể hiện sự cầu thị của mỗi người mà còn là thực hiện nghĩa vụ công dân. Bởi vì, dù đến nay chưa có luật về ngôn ngữ, song riêng với lĩnh vực báo chí - truyền thông, Luật Báo chí 2016, tại mục đ, điều 4 về "chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí", có nêu: Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt; tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Trở lại trường hợp của "ga tàu thủy", từ đây chắc nhiều người còn nhớ "trạm thu giá" từng "gây bão" vào năm 2019 khi Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến cho một dự thảo thông tư, trong đó đổi tên toàn bộ các "trạm thu phí" đường bộ (BOT) trên toàn quốc thành "trạm thu giá". Ngay lập tức, các diễn đàn mạng xã hội "sục sôi", nhiều đại biểu Quốc hội phản biện và một số nhà Việt ngữ học tên tuổi lên tiếng khẳng định viết "trạm thu giá" là sai toàn diện về mặt ngữ nghĩa lẫn bản chất thực tế. Dẫu Bộ Giao thông Vận tải có lý giải của bộ nhưng cái đúng mới là chân lý, nên sau đó bộ phải sửa lại, dùng tên cũ.

Nhắc thêm một chuyện như vậy để nhấn mạnh: Ngôn ngữ dân tộc là thiêng liêng, khi vận dụng phải luôn nghiêm cẩn và quý trọng, như là ứng xử tôn kính với người mẹ của mình, bởi đó là "TIẾNG MẸ ĐẺ"! Và, nếu mắc sai sót, hãy luôn cầu thị sửa sai.

Biết lắng nghe và cầu thị thể hiện sự tiến bộ xã hội, cũng là động lực để phát triển.

A.Q

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sai-sot-chu-nghia-va-su-cau-thi-196240229214432812.htm