Sầm Sơn: Trụ cột tăng trưởng từ du lịch nội địa
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và tiếp tục đóng vai trò là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế, thành phố biển Sầm Sơn một lần nữa khẳng định vị thế 'thủ phủ du lịch biển miền Bắc' với lượng khách ấn tượng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 916.000 lượt khách, góp phần đưa tổng lượng khách đến Thanh Hóa đạt 1,6 triệu lượt, thu về hơn 4.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sức hút ổn định và ngày càng mở rộng của thành phố biển này trong bản đồ du lịch quốc nội.

Sầm Sơn - Khát vọng tỏa sáng
Nền tảng thành công từ hạ tầng và quy hoạch chiến lược
Từ một điểm đến truyền thống của người miền Bắc, Sầm Sơn đã từng bước “lột xác” với sự đầu tư quy mô vào hạ tầng du lịch, không chỉ giữ chân du khách trong mùa cao điểm mà còn hướng tới phát triển quanh năm. Điểm nhấn của kỳ nghỉ lễ năm nay là Quảng trường biển Sầm Sơn là công trình mang tính biểu tượng với sức chứa lên đến 10.000 người, hệ thống nhạc nước công nghệ Đức, cùng loạt sự kiện nghệ thuật đỉnh cao.

Công viên nước Sun World Sầm Sơn hút khách bởi nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Bên cạnh đó, công viên nước tại phường Quảng Châu cũng ghi nhận 3.500 lượt khách/ngày trong cao điểm nghỉ lễ, cho thấy nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm du lịch đa dạng và giải trí chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu lớn hơn về tiếp tục đầu tư các tổ hợp vui chơi - nghỉ dưỡng quy mô lớn, tương thích với nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.
Dù điều kiện thời tiết trong những ngày đầu kỳ nghỉ không hoàn toàn thuận lợi, có mưa nhẹ, âm u vào sáng và trưa, song dòng khách đến Sầm Sơn vẫn duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, vào ngày nghỉ thứ tư (3/5), sau khi phần lớn du khách ngoại tỉnh trả phòng trở về, lượng khách nội tỉnh vẫn đổ xuống biển tắm mát, tham quan rất đông. Điều này phản ánh tiềm năng lớn từ thị trường khách nội địa tại chỗ là một trụ cột bền vững của ngành du lịch địa phương.
Theo ông Đào Văn Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa, Nhà khách Thanh Niên trong dịp nghỉ lễ đạt 80% công suất phòng, cho thấy mức độ tiêu dùng du lịch vẫn cao. Để kéo dài hiệu ứng sau lễ, nhiều đơn vị đã triển khai các chính sách ưu đãi mùa hè, như giảm giá phòng 20-30% cho đoàn lớn, miễn phí vé bể bơi... Đây là cách làm kinh tế du lịch linh hoạt, góp phần giữ chân khách hàng và ổn định doanh thu.
Sầm Sơn nằm cách Hà Nội khoảng 170km, di chuyển chỉ mất 3 giờ qua tuyến cao tốc Nghi Sơn - Thanh Hóa - Hà Nội, là điểm đến lý tưởng cho các chuyến nghỉ ngắn ngày. Ngoài ưu thế về hạ tầng giao thông, địa phương này còn sở hữu bãi biển dài 9km, hình trăng khuyết đẹp mắt, nước biển trong xanh, sóng nhẹ, phù hợp cho nhiều đối tượng, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi.
Bốn bãi tắm A, B, C, D được quy hoạch bài bản, có lực lượng cứu hộ túc trực, hệ thống vệ sinh và dịch vụ đảm bảo, cho thấy công tác quản lý du lịch của địa phương đã có bước tiến đáng ghi nhận. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Sầm Sơn khắc phục tiếng xấu “du lịch một mùa”, đồng thời nâng cấp trải nghiệm du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Tác động kinh tế lan tỏa
Việc thu hút gần 1 triệu lượt khách chỉ trong vài ngày lễ không chỉ mang lại nguồn thu lớn trực tiếp từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan... mà còn có tác động lan tỏa đến hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể, từ người bán hàng rong, quán nước đến các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phụ trợ. Mỗi đồng doanh thu du lịch tạo ra đều góp phần nuôi dưỡng cả chuỗi giá trị kinh tế địa phương, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tạo việc làm thời vụ cho hàng chục nghìn lao động.

Số đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển Sầm Sơn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là người trong tỉnh
Không những thế, các lễ hội đi kèm, đặc biệt là Lễ hội biển Sầm Sơn 2025 với chủ đề “Sầm Sơn - Khát vọng tỏa sáng”, đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy du lịch văn hóa, nghệ thuật, tạo bản sắc riêng biệt cho du lịch Thanh Hóa. Với các màn trình diễn nghệ thuật hoành tráng, bắn pháo hoa và hội chợ OCOP, sự kiện đã đưa hình ảnh đặc sản xứ Thanh như: nem chua, chả tôm... đến gần hơn với du khách.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, kỳ nghỉ lễ cũng đặt ra một số thách thức cho ngành du lịch Sầm Sơn. Một số chủ nhà hàng, khách sạn phản ánh sức tiêu dùng của du khách năm nay có dấu hiệu “giảm nhiệt”, đặc biệt trong những ngày cuối kỳ nghỉ. Lượng khách lưu trú nội tỉnh tăng, nhưng khách ngoại tỉnh sớm trả phòng khiến sức mua phân hóa rõ rệt.

Biển Sầm Sơn "ken đặc" người vào những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5
Bên cạnh đó, áp lực giao thông và hạ tầng dịp cao điểm cũng là vấn đề cần tính đến. Tình trạng “kín đường”, tắc nghẽn ở nhiều tuyến cửa ngõ dẫn vào thành phố cho thấy nhu cầu cần thiết về giải pháp điều tiết giao thông và phân bổ dòng khách hợp lý hơn trong các năm tới.
Để duy trì và nâng cao vị thế, ngành du lịch Sầm Sơn cần tiếp tục chuyển mình theo hướng kinh tế dịch vụ bền vững, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Việc xây dựng hệ sinh thái du lịch “4 mùa” với các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, du lịch sinh thái ven biển, kết nối với các điểm đến như Hải Tiến, Thành Nhà Hồ hay Bến En... sẽ tạo sức hút dài hạn, giảm lệ thuộc vào mùa vụ và thời tiết.
Mặt khác, đẩy mạnh số hóa, tăng cường truyền thông du lịch thông minh, cải thiện thái độ phục vụ, bảo vệ môi trường biển và tôn vinh văn hóa bản địa cũng sẽ là những “chìa khóa vàng” để Sầm Sơn thực sự trở thành đô thị du lịch quốc gia trong tương lai không xa.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sam-son-tru-cot-tang-truong-tu-du-lich-noi-dia-163667.html