Sân khấu TPHCM sẵn sàng cho một năm sôi động

Sân khấu TPHCM bước vào mùa diễn năm 2025 với một tâm thế đầy háo hức và kỳ vọng, khi đây là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước, TPHCM cũng như nhu cầu thưởng thức các vở diễn chất lượng của công chúng được dự báo tăng cao. Bên cạnh đó, sân khấu đã tìm được hướng đi cho mình khi tập trung khai thác các đề tài mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc.

Ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm cho khán giả

Có một mẫu số chung cho các vở diễn thành công trong thời gian qua, dù là cải lương, kịch nói hay múa, múa rối, xiếc…, đó là nội dung khai thác các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, nhân vật nổi tiếng, ca ngợi truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm. Đi cùng với đó là cách thể hiện hoành tráng, khéo léo khai thác các ý tưởng mới, mang đậm tính thời sự, tận dụng triệt để các trang thiết bị hiện đại để truyền tải ý tưởng. Tất cả góp phần mang đến những vở diễn vừa có nội dung giàu tính giáo dục, vừa tạo hiệu ứng cao về tính thẩm mỹ và giải trí.

Có thể kể đến một điển hình như vở cải lương Người ven đô, do Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tái dựng. Đây vốn là một vở cũ, đã ra mắt cách nay gần 50 năm (do Sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 1 dựng năm 1976). Khi đó, cả diễn viên lẫn người xem đều mới vừa bước ra khỏi chiến tranh, tâm thế, sự thấu hiểu, cảm nhận có rất nhiều khác biệt so với thế hệ hôm nay, khi những diễn viên trẻ, khán giả trẻ đều sinh ra và lớn lên trong hòa bình.

Chính vì vậy, từ cách diễn, cách thể hiện trên sân khấu đều cần sự thay đổi, khai thác sâu hơn các tình tiết, tận dụng công nghệ mới như màn hình Led, màn Gauze… câu chuyện đấu tranh cách mạng của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu được tái hiện lại một cách hấp dẫn, lôi cuốn từ đó tạo nên sự xúc động mạnh mẽ cho người xem, nhất là những người trẻ.

 Vở cải lương “Người ven đô” tái hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc

Vở cải lương “Người ven đô” tái hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc

Việc sử dụng các công nghệ mới cũng giúp cho các biên kịch, đạo diễn thỏa sức tưởng tượng, tạo nên những tác phẩm đầy khác biệt. Nếu như trước đây, đề tài biển đảo luôn là thử thách cho những người làm sân khấu khi hình ảnh bão tố phong ba, sự gian nan của người lính biển rất khó thể hiện, thường nặng tính ước lệ thì nay với công nghệ mới đã có thể đưa sự dữ dội của biển khơi đến gần hơn với khán giả.

Như với vở cải lương San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), diễn viên diễn cùng với công nghệ màn hình 3D đã đưa đến khán giả hình ảnh, câu chuyện đầy cảm xúc về những chiến sĩ hải quân kiên cường bám biển, gìn giữ biên cương ngoài khơi của Tổ quốc.

Tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc

Một trong những dấu ấn của sân khấu thành phố là việc đi sâu khai thác các đề tài khó, nhất là những đề tài liên quan đến lịch sử. Như với vở cải lương Lưu vong (Khí tiết một trung thần - Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân), kể về nhân vật võ quan Lê Quýnh, một trung thần nhà Lê bị lưu lạc nơi đất khách. Vở đã khai thác sâu sự giằng xé giữa lòng trung thành với vua và tình yêu đất nước của một nhân vật lịch sử vốn ít được nhắc đến trước đây.

Hay như vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (Nhà hát kịch Idecaf) khắc họa một bối cảnh đặc biệt thời kỳ đầu của vùng đất phương Nam. Đặc biệt, khai thác đề tài thời sự, vở kịch Đồng chí (Hội Sân khấu TPHCM) đã có cách thể hiện đầy mới lạ khi xây dựng song song hai tuyến thời gian câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội trong bom đạn chiến tranh và trong những cám dỗ của cuộc sống đương đại.

Nhận định về xu hướng khai thác các đề tài mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, soạn giả Hoàng Song Việt (sân khấu Cải lương mới Đại Việt) cho rằng, đây là hướng đi đầy hiệu quả, vừa thu hút khán giả vốn đã quá nhàm chán với các vở dạng tuồng tích cổ Trung Quốc, vừa có thể tìm thêm khán giả mới nhờ phối hợp với các đơn vị, quận huyện có nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ…

“Nếu xây dựng được sự hợp tác hiệu quả, các đoàn có thể mạnh dạn đầu tư thực hiện nhiều vở mới, có quy mô hoành tráng, chú trọng nội dung, tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ… đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả mộ điệu”, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.

Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Idecaf, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, cho biết: “Tới đây, nhà hát đang chuẩn bị dàn dựng vở nhạc kịch Những cô gái Sài Gòn, nhằm ngợi ca người phụ nữ Sài Gòn - TPHCM từ 1975 đến nay. Tiếp đó là các dự án kịch lịch sử dành cho khán giả nhiều lứa tuổi”.

Hàng loạt tác phẩm sân khấu đã, đang và sẽ ra mắt mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử dân tộc đóng góp thêm những sắc màu tươi mới, riêng biệt, thêm phần đặc sắc cho đời sống văn hóa nghệ thuật TPHCM cùng hướng tới những ngày lễ trọng đại của đất nước và TPHCM.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/san-khau-tphcm-san-sang-cho-mot-nam-soi-dong-post781200.html