Sản lượng chè búp giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân
Do nắng nóng kéo dài, ít mưa, sản lượng chè búp tươi thu hoạch trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, kéo theo thu nhập của người trồng chè bị ảnh hưởng.
Như mọi năm, đến thời điểm này, người trồng chè đã bước vào thu hoạch lứa búp thứ 4, thứ 5, nhưng năm nay, dù đã hết tháng 6, nông dân huyện Mường Khương và một số địa phương khác trong tỉnh mới thu hoạch được lứa búp thứ 3, thứ 4, có nơi mới thu hoạch được lứa búp chè thứ 2. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, ít mưa khiến cây chè không bật được búp.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện vài đợt mưa rải rác nhưng lượng mưa tương đối nhỏ, phân bố không đều nên chưa giải quyết được tình trạng hạn hán cho vùng chè. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, ít mưa thì sản lượng chè búp có thể tiếp tục giảm, gây thiệt hại cho ngành chè của tỉnh.
Thông thường, mỗi lứa thu hoạch, nương chè của gia đình bà Trương Thị Thu ở thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương đạt sản lượng khoảng 1,8 tấn búp, một năm thu được khoảng 8 lứa (5 lứa chính, 3 lứa phụ). Tuy nhiên, năm nay do nắng hạn kéo dài, chè cho ít búp hơn mọi năm, nhiều diện tích cháy lá không cho thu hoạch.
Bà Thu chia sẻ: “Từ đầu vụ (tháng 3) đến nay, tôi mới thu hoạch được 2 lứa búp, sản lượng chỉ đạt 8 - 9 tạ/lứa, giảm 50% so với mọi năm. Do không có mưa, búp chè ít hơn, nhỏ hơn, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn mọi năm khoảng 15 ngày (thông thường 30 ngày thu hoạch 1 lứa). Chưa kể, nhiều diện tích còn bị cháy lá, mất trắng. Mặc dù giá chè tăng khoảng 2 nghìn đồng/kg so với năm 2022 nhưng thu nhập vẫn giảm rất nhiều”.
Tình trạng chè cho búp nhỏ, ít búp hoặc cháy lá dẫn đến sản lượng giảm như gia đình bà Thu diễn ra khá phổ biến tại xã Lùng Vai. Toàn xã có 1.057 ha chè, trong đó 839 ha chè kinh doanh. Như mọi năm, đến thời điểm hiện tại, sản lượng chè búp của địa phương có thể đạt khoảng 4.000 tấn nhưng năm nay chưa đến 2.000 tấn. Sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước.
Theo ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, nắng hạn kéo dài khiến việc đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất lúa trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn nên khó có giải pháp đảm bảo nước tưới cho cây chè. Bên cạnh đó, diện tích chè của xã tương đối lớn, lại không có hệ thống tưới nên khó điều tiết nguồn nước, sản xuất vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Chúng tôi đang tập trung vận động Nhân dân tranh thủ khi thời tiết có mưa tiến hành bổ sung phân bón, chăm sóc chè để đảm bảo sản lượng cho các lứa tiếp theo.
Tại xã Bản Sen, nông dân trồng chè cũng gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết diện tích chè đều giảm sản lượng. Gia đình ông Nông Văn Dương ở thôn Phẳng Tao vào thời điểm này cũng đứng ngồi không yên vì nương chè - nguồn thu nhập chính của gia đình bị cháy lá diện rộng. Nếu những năm trước, mỗi đợt hái chè, gia đình ông Dương thu được khoảng 3 tấn búp thì lứa chè vừa qua, sản lượng chỉ được khoảng 1 tấn, giảm hơn 60%.
“Năm nay nắng nhiều quá, nhiều diện tích bị cháy lá không có búp. Thời gian qua, trên địa bàn có vài trận mưa nhưng cũng chưa đủ ngấm đất để cây chè phục hồi. Thiếu mưa, bón phân cũng vô ích vì phân không tan. Chúng tôi cũng chỉ biết chờ mưa xuống chứ không có giải pháp nào để cứu cây chè thời điểm này” - ông Dương than thở.
Không chỉ vùng trồng chè huyện Mường Khương, nông dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như Bảo Thắng, Bảo Yên… cũng gặp phải tình trạng tương tự khiến sản lượng chè búp giảm mạnh. Người trồng chè các địa phương hầu hết không có giải pháp để đảm bảo nước tưới cho cây trồng chủ lực này vì diện tích quá lớn, trong khi nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cũng đang thiếu trầm trọng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5.082 ha chè kinh doanh, sản lượng thu hoạch đạt trên 13.900 tấn, giảm khoảng 3.400 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Nếu không có mưa, khả năng sản lượng chè của cả năm 2023 khó đạt kế hoạch đề ra.
Là cây trồng chủ lực với diện tích lớn, việc sản lượng chè búp giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng chè năm 2023. Ngay từ lúc này, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán gây ra đối với diện tích chè của tỉnh.
Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, đưa những giống chè mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt vào trồng nhằm duy trì, phát triển vùng chè vốn có. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm, điều tiết nước tưới ở các vùng chuyên canh trồng chè. Khi đó, người dân mới chủ động chống hạn được cho cây trồng, góp phần hạn chế những thiệt hại do hạn hán, nắng nóng gây ra.